Đành rằng con tôi là cháu bà, cháu cưng cháu qúy nhưng cách nuôi con mỗi thời mỗi khác. Tôi trình bày, dặn dò cặn kẻ. Bà làm theo cái được cái không, lúc quên, lúc nhớ. Có cái bà kiên quyết giữ vững lập trường.
Một bữa đi làm về, đẩy cửa phòng bước vào tôi sững người vì hình ảnh trước mắt. Con Lang nằm trên giường tôi. Cái thân hình đen thui nhếch nhác ấy ôm lấy thằng con tôi, miệng còn ư ử hát ru nữa, trời ạ. Tôi nhìn nó, cái nhìn nói lên tất cả. Con bé lật đật ngồi dậy, bỏ hai chân xuống đất, cúi đầu:
- Mệ đang tắm, mệ bảo con lên với em vì sợ em khóc.
Tôi nuốt giận vào trong, chờ đến tối ấm ức nói lại với chồng. Anh không hề ngạc nhiên:
- Mẹ đã bắt con Lang tắm rửa hàng ngày rồi.
Mẹ, hể chạm đến mẹ thì lẽ phải không bao giờ thuộc về tôi. Tôi đay nghiến:
- Em không muốn nó chạm đến con mình. Anh không thấy nó đen điu, hôi hám.
Chồng tôi ném chiếc áo vừa cởi ra xuống giường:
- Mướn người làm hay chọn hoa hậu? Muốn trắng, rồi thì có trắng, muốn thơm, rồi thì có thơm.
Trắng mà thơm! Tôi chợt tỉnh cả người.
Người ta bảo "khẩu xà tâm phật". Tôi lấy một ông chồng thuộc lọai "khẩu xà" là chuyện rõ như ban ngày nhưng còn tâm gì thì chỉ có trới biết. "Đàn ông năm bảy lá gan"! Tôi, một phụ nữ đầy tự tin và thông minh nên biết rõ mình chỉ có một lá.
Cầm lấy chiếc áo trên giường tôi máng vào mắc áo rồi đi pha sữa.
Ngòai đời, tôi hội nhập dễ dàng với dòng chảy của thời đại mới. Công việc, thành công, thăng tiến... Có lẽ vì thế mà muộn chồng, muộn con. Lấy nhau hơn ba năm, không thấy dấu hiệu gì mẹ chồng tôi bắt đầu hốt hỏang. Bà thăm hỏi, dò xét, bóng gió rồi rên rĩ: "Trời ơi, sáng Sài gòn, chiều đã bay ra Hà Nội. Lại còn đi Tây, đi Mỹ. Đàn bà chi mà chạy như ngựa vía."
Tôi cũng hoang mang. Hai vợ chồng bắt đầu đi đến phòng khám này, phòng khám nọ. Kết quả bình thường nhưng tháng tháng điều mong mỏi vẫn không đến. Tôi thu xếp lại công việc, né tránh bớt những hội thảo chỗ này, chỗ nọ, bó tay, sốt ruột ngồi nhìn cơ hội thăng tiến nhởn nhơ trôi qua trước mặt. Rồi tiền triệu bắt đầu tuôn ra.Vài ba tháng lại nghĩ hai tuần nằm một chỗ. Nghỉ có phép, nghỉ thường niên đến nghỉ không ăn lương...
Cuối cùng hạnh phúc đẩy cửa ùa vào gia đình tôi chóang ngợp. Thằng bé, thằng cháu đích tôn cả nhà mong mỏi đã cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay tôi. Tôi làm mẹ. Một cảm giác lâng lâng bay bỗng tràn về những khi tôi âu yếm ngắm nhìn con.
Nhưng một khi cửa đã mở, hạnh phúc vào được thì những hệ lụy cũng kéo vào theo. Tôi làm mẹ đồng thời dần dần thấm thía những phức tạp của cuộc sống... làm dâu. Từ trước đến giờ tung tăng theo chồng, tự do, thỏai mái quen rồi. Bây giờ bắt đầu thấy ra vào tù túng, phải ý tứ nọ kia.
Mới hôm qua đây thôi, đi chợ về, sọan giỏ thức ăn ra con Lang đã la lên thảnh thót:
- Mệ không ăn cá lóc, cô mua chi hoài.
Rõ ràng nó đã tạt vào mặt tôi một gáo nước. Tôi ngó con cá lóc to đùng, tươi rói trong rỗ. Hình như nó nói đúng, nhưng con này tinh ranh qủy quái.
Một tuần chỉ có hai lần lo chợ búa. Thì giờ đâu để tôi quan tâm mọi sự. Trăm công ngàn việc đổ dồn vào tôi. Thằng bé ói, ho, khóc đêm là chuyện thường xuyên. Năm bữa nửa tháng lại ấm đầu. Tôi thức đêm sâu cả mắt. Việc của công ty cũng điên đầu. Với chừng đó vốn, tiền tỷ đấy nhưng chiến lược đề ra thế nào để tăng doanh số, biện pháp nào để điều khiển "lính lác" dưới tay mình họat động hiệu qủa. Cái "ghế" tôi ngồi bao nhiêu đứa lăm le xô ngã. Doanh số cuối năm luôn ám ảnh tôi. Không đạt yêu cầu người ta không tuyên bố đuổi việc thẳng thừng nhưng bằng cách này, cách khác, không chịu nỗi mình cũng phải tự ý ra đi. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này thần kinh cứ căng như dây đàn. Mà căng quá coi chừng đứt.
Mẹ chồng tôi cầm rỗ cá lên xuê xoa:
- Mẹ ăn không được thứ ni thì ăn thứ khác. Mua cho cả nhà ăn chớ con.
Mẹ chồng tôi lúc nào cũng thủng thẳng, từ tốn nhưng nói vậy mà chưa chắc nghĩ vậy. Bà nghĩ gì chỉ mình bà biết. Không như tôi, mọi chuyện cứ hụych tọet, thẳng thừng ra với nhau. Như vậy có phải dễ sống hơn không. Người ta "giận cá chém thớt". Còn tôi, đã giận cá thì cứ lôi cá ra mà chém.
Tôi quay sang con Lang, sẵn sàng dao kiếm. Nó tránh tia nhì sấm sét của tôi, né đòn rất nhanh:
- Để con đem rác đi quăng kẻo lát nữa xe rác đi mất
Nó gom hết nhũng cọng rau già, những vỏ tôm, lòng cá dồn một bịch, nhanh nhẩu dội cái sàn nước sạch bóng , lủi nhanh ra cửa.Tôi nhìn theo nó rồi nhìn quanh căn bếp. Thịt đã rửa xong, sạch sẽ đỏ hồng trong rỗ chờ ráo nước. Cá đã màu mè đâu vào đó, chỉ cần đặt lên bếp kho. Rau đã nhặt xong xanh mơn mỡn. Thần kinh tôi giãn ra từ từ nhè nhẹ. Thôi cũng được, miễn là nó biết việc.
Tôi không thể phủ nhận một điều là con bé tiếp thu mọi chuyện rất nhanh. Nó tiến bộ hồi nào không biết nhưng máy móc nhà này với nó bây giờ là chuyện nhỏ. Liếng thoắng, nhanh nhẩu, nó biết đón ý mọi người làm chồng tôi hài lòng ra mặt. Tôi thì không chấp nhận được cái ranh ma láu lỉnh của nó. Mà cũng không lâu nữa đâu. Bà về quê rồi, năm bữa nửa tháng sau tôi sẽ tìm cách tống khứ nó thôi. Kiếm người làm khác. Miễn có tiền, lo gì!
***
"Bà về quê thật rồi, Bin ạ". Tôi lẩm bẩm nói với con như nói với chính mình. Không còn tiếng dép lệt sệt, không còn tiếng ho khan buổi sáng, không còn những câu nói hiểu đầu này suy đầu nọ. Dưng không lại thấy thiếu thốn.
Chồng tôi lại công tác nước ngoài, Bin lại ốm.