"Chém cha cái số làm công nhân" ở các khu công nghiệp
***
1. Biên hoà quá phức tạp!
Đó là lời nhận xét của nó khi ở đó đúng một tháng vài ngày. Đậu đại học là nó biến gấp rồi. Cũng may thời gian từ khi thi đại học đến lúc báo điểm thi cũng không quá một tháng, chứ dài hơn thì nó còn ngáp dài.
Không ngáp dài sao được, đi làm ca hai mười giờ khuya mới tan ca, về đến phòng trọ tắm rửa, ăn uống qua loa rồi leo lên giường cũng là lúc giờ ngọ nữa đêm. Hầu hết công nhân nào làm ca hai cũng vậy. Đó là làm ca hai nhá, ca ba thì thức trọn đêm rồi ban ngày tha hồ mà ngủ, ông bà người xưa bảo "đêm nằm năm ở" vậy mà con người ở đây thức đêm như là một quy luật làm ca, cứ xoay chuyển hết ca một đến ca hai, đến ca ba rồi quay lại ca một, chỉ có ca một là có tính người vì làm giờ hành chánh từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, khi tăng ca thì cùng lắm 6 giờ sáng đến 6 giờ tối là cùng, nhưng ca hai và ca ba thì con người biến thành một thứ gì nó cũng không hình dung nổi. Nhìn những đôi mắt trũng sâu sau một đêm thức trắng làm việc sáng ra phờ cả người, đút cái thẻ điểm danh mà đờ lệch đi.
Nhưng chỉ một tuần họ lại được đổi ca (nghiên cứu cho thấy sức chịu đựng thức đêm của con người có giới hạn, chỉ một tuần là phải chuyển ca để họ có thời gian ngủ lấy lại sức, chứ nếu kéo dài liên tục nhiều tuần liền thức trắng đêm thì nguy cơ chết người vì suy nhược cơ thể) và được phục hồi rồi quay lại thức tiếp. Luật đổi ca của tư bản nước ngoài đúng là ma mãnh thật, chúng bòn rút sát sao sức lực của công nhân ở đường tơ kẻ tóc, không sót một kẻ hở nào, người công nhân nào đã vào làm công ty nước ngoài hay công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà làm dạng lao động phổ thông như nó đều phải trải qua ba ca như thế.
Nó ngán tận cổ, ngay ngày đầu mới vào làm nó dính ngay ca ba, làm sao nó chịu nổi, từ hồi giờ ở nhà cha mẹ chưa tám giờ tối đã đi ngủ, hôm nào học bài khuya quá cũng cùng lắm là thức đến mười giờ đêm vậy mà giờ phải thức trắng đêm, lần đều tiên trong đời nó. Ngày đầu, ngày thứ hai nó tưởng mình trụ không nổi phải nghỉ việc, mắt lờ đờ, nước mắt nước mũi cứ chảy hoà vào nhau. Đầu thì đau ong ong như búa bổ, mệt mỏi cứ muốn ngủ, nhưng đặt lưng xuống không ngủ được vì nó không quen cái kiểu "thức đêm ngủ ngày", nó đang đi vào con đường nguy hiểm "thức đêm rồi lại thức ngày", không ngủ được tí nào trong ba ngày liên tiếp như vậy. Bạn bè trong phòng trọ đâm lo "chết rồi, con nhỏ bệnh ra vì không chịu được thức đêm đây mà". Uống vài viên thuốc cầm cự, nó vẫn cố bắt cái thân lờ đờ của nó đi làm, "phải đi làm thôi, mới xin vào làm mà nghỉ vì lý do bệnh là bị đuổi việc cái chắc" nó nghĩ vậy và gắng gượng hy vọng lâu dần sẽ quen.
Và đúng là quen thật ngày thứ ba nó vừa làm về đặt người xuống giường là đã chìm vào giấc ngủ ngon lành đến gần 10 giờ đêm rồi lật đật đi làm, ngày mới làm việc của nó bắt đầu 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Từ hôm "ngủ ngày" được nó thường làm về đến nhà là ngủ một mạch đến gần 2 giờ chiều mới dậy ăn uống qua loa, nhìn trời, nhìn đất một hồi loay hoay lại bắt đầu một này làm mới lúc 10 giờ đêm, nếu bị tăng ca thì ngày mới bắt đầu từ lúc 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, ngày mới của những kẻ làm ca ba là ngày mới của những con vạc ăn đêm, những "thiên thần bóng đêm".
Thật ra nói là đêm nhưng trong chỗ làm không khí cứ như ban ngày, thời gian ở trong công ty dường như đứng lại, con người không cảm nhận được sự dịch chuyển của thời gian, lúc nào đèn điện cũng sáng trưng, trong bốn bức tường kín mít của cái nhà máy khổng lồ, những công nhân như con thoi làm việc mệt mài bên cổ máy bất kể ngày đêm, chỉ khi nghe tiếng chuông báo giờ cơm thì mới biết đó là trưa, xếp hành ngay ngắn mà đi ăn, ăn thì cứ cuối xuống mà ăn một mạch cho nhanh lên tranh thủ nghĩ chút xíu là phải vào làm, thời gian ăn cơm và nghĩ trưa tổng công chỉ có 45 phút, sắp xếp làm sao đó ăn nhanh thì được nghỉ nhiều một tý, ai ăn chậm thì lên mà làm luôn, lúc tăng ca cho thêm giờ ăn lợ thì chỉ có 30 phút ăn nhanh để lên làm, thời gian ăn uống, nghĩ trưa quá ngắn là nguyên nhân gây ra chứng đau bao tử hàng loạt cho công nhân đó là chưa kể những ca ngộ độc thực phẩm do chất lượng thức ăn và nhà bếp kém vệ sinh của công ty.
Môi trường làm việc trong công ty là môi trường khép kín với thế giới bên ngoài, không có một khí trời nào có thể lọt vào công ty, chỉ khi ra khỏi nhà máy trên đường về phòng trọ thì nó mới cảm nhận được cái thời gian trôi nặng nề trên chiếc xe đạp mới toanh mà mẹ mới sắp cho nó năm cuối cấp, nó mang theo và rất quý chiếc xe này nó gọi con "hai cẳng" này là "Mininho". So xe với đám công nhân đi làm hằng ngày trên đường mà nó bắt gặp thì Mininho của nó là oách nhất, vì ít ra nó còn có hình hài một chút chứ nhìn xe của đồng nghiệp nó thì thấy mà tội, xe không ra xe, trật lên, trầy xuống mà lại còn cỏng hai mới oách chứ. Không so sánh với một số ít đồng nghiệp tiểu thư đi xe máy, là những nàng có chút nhan sắc trời cho, có thể những chiếc xe máy kia do bồ cung cấp không chừng, mỗi lần có hai ba chị xinh đẹp chạy xe máy vi vu lướt qua đám bạn thì Hà- cô gái dễ thương nhất trong đám đồng nghiệp của nó đang đi xe "hai cẳng" phải ngước nhìn thật lâu, thấy thế một đứa trong bọn đùa "xinh như Hà phải đi xe Nuvo mới xứng, nhìn mà học hỏi mấy chi đi là vừa". Hà bửu môi: "Nuvo làm chi cho mệt, xe đạp mới chắc".
2.
Làm được hơn một tháng, nó được tin báo đậu đại học, không phải ai báo cái tin quan trọng đó cho nó mà tự chính nó đi gọi tổng đài, cái lúc nghe tổng đài báo đủ điểm đậu, nó đã hét lên ôm chầm lấy người chị đồng nghiệp đi cùng mà nhảy tưng tưng giữa đường như người bị gì vậy. Niềm vui lan toả chưa nguôi thì nỗi buồn bổng từ đâu chạy đến chiếm chổ, con Mininnho của nó bị bọn giang hồ khu nhà trọ đua mất. Không phải nó bất cẩn mà vì sự cố khách quan.
Như thông lệ, hôm nào nó chẳng cho con Mininho vào nằm yên vị một góc chật chội trong phòng với hai cái xe cà tàng của hai đứa trong phòng che chắn, nếu có lấy cũng phải gỡ 2 con cà tàng ra rồi mới tới lượt con Mininho, vậy mà hôm đó do phòng có khách tới chơi, hai thằng con trai bạn của nhỏ trong phòng, chúng mới ở dưới quê lên, phòng trọ thì bé tí ti không có chổ chứa, hai thằng đành giành chổ của ba chiếc "hai cẳng", thế là Mininho bị tống ra ngoài cửa cùng với hai chiếc cà tàng kia, thấy cảnh đấy nó đã khó chịu và lo con Mininho có thể bị lấy nhưng bọn nó một mực cứ bảo đảm là không sao vì phía ngoài nhà trọ có cổng lớn khoá cẩn thận, nó cả nể nghe lời, vả lại mới vô đây ở trọ nó chưa chứng kiến các phòng lân cận mất mát thứ gì, nhắm mắt cho qua để con Mininho ngoài nhưng lòng không yên cứ sợ mất. Và đúng thật! Sáng mai y như rằng con Mininho không cánh mà bay, hai chiếc cà tàng vẫn nằm yên vị. Đau lắm, nó đau vì mỗi con Mininho của nó bị cổm còn hai chiếc cà tàng kia thì không. Nó rầu rĩ suốt mấy ngày sau đó, đến ngày nhận tháng lương đầu tiên được sáu trăm nghìn mà nó cũng chẳng vui nổi. Nghĩ đến việc trả giá cho con Mininho đã mất thì số tiền nó cầm trên tay vừa đúng số tiền mẹ nó đã bỏ mua con Mininho cho nó.
Nó nghỉ việc, tất nhiên một phần là chán vì mất con Mininho không có phương tiện để đi, một phần nó phải về để thu xếp năn nỉ mẹ cho đi học đại học, vì một lẽ biết đậu rồi nhưng liệu mẹ có đủ tiền cho nó đem đi trang trải tiền học phí đầu vào và tiền ăn hay không, số tiền khá nặng. Nó nuôi hy vọng được mẹ cho đi học nhưng lại sợ mẹ không kiếm đâu ra ngừng ấy tiền cho nó đi. Ba triệu đâu phải là con số nhỏ đối với gia đình nghèo như nhà nó. Thế mà mẹ nghe tin nó đậu, thấy nó về mẹ mừng lắm quyết bán đàn heo đang chửa trong chuồng, cả mẹ cả con đứt hơn ba triệu cho nó cầm đem đi nhập học. Hành động của mẹ làm nó cảm động, nó rơm rớm như muốn khóc khi thấy mẹ vét sạch cả cơ nghiệp chăn nuôi của nhà nó vào cái giấy báo đậu đại học kia.
3.
Chuyện làm công ty bỏ lại sau vài giờ đồng hồ kể cho mẹ nghe, nó lại hối hả chuẩn bị hành lý cho ngày mai lên trường nhập học, mẹ chuẩn bị đủ thứ cho nó và không quên dặn dò lên đó gắng mà học để sau này về kiếm cái "khu nêu", mẹ thường hay dùng thuật ngữ của ông ngoại như thế, mới nghe lần đầu nó không hiểu và thấy buồn cười nhưng khi nghe mẹ lý giải "khu nêu" là cái nghề nuôi sống bản thân mình sau này thì nó mới nghe một cách nghiêm chỉnh và không còn cười nữa. Nó đã biết nói với mẹ những câu nghe thật người lớn mặc dầu lúc đó nó chưa phải là người lớn thật: "con biết mà mẹ, con sẽ cố kiếm cái "khu nêu" về cho mẹ và giữ cái "khu nêu" đó suốt đời". Mẹ cười, nó thấy mắt mẹ ánh lên niềm vui.
Ngoài kia bình minh một ngày mới bắt đầu, và cũng là dấu hiệu bắt đầu cho một chặng đường mới trong cuộc đời của nó.
Ph Anh