- Ừ, tao cũng muốn mẹ tao lau vết thương cho tao.
- Thằng khùng, vậy mày nhảy xuống đi, về mẹ mày nắn xương lại cho mày - tôi chọc nó, nhưng rồi thấy hơi lố nên sửa lại
- Tao đùa đó, đừng nhảy nghe, chết á.
Mà nghĩ lại, tôi thấy thương nó thật, nhà nó giàu nhưng ba má nó đâu có thương nó, nhà tôi nghèo nhưng má tôi thương tôi lắm, tôi nghĩ cái câu mà bác Ba thợ rèn nói đúng ghê "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", cái câu nói mà tôi phải hỏi đi hỏi lại mẹ tôi bao nhiêu lần tôi mới hiểu được.
Đang chìm trong mớ suy nghĩ về hoa và cảnh thì giọng thằng Hai me từ dưới vọng lên.
- Ê hai thằng khỉ kia, bọn mỏ đá nó kéo lên kìa, xuống ngay.
Lần này thì thằng Tùng được đánh nhau thật, chắc tụi nó kéo lên trả thù vụ hôm trước.
Hai đứa tôi trèo xuống, tiện tay tôi rút một cây tre từ ngôi nhà ra, lần này phải dùng vũ khí mới đánh lại bọn nó. Bọn mỏ đá này là chúa chơi ăn gian, lần trước thằng Sẹo lấy roi đánh tôi một phát ngay lưng, giờ tôi phải chơi ăn gian lại cho bõ ghét.
Nhưng âm mưu của tôi không được thực hiện, bọn mỏ đá lần này có hai thằng cỡ bự. Nó xách tôi lên như xách một con dế. Tụi tôi bị đánh tơi tả, tôi thì không sao, bị đánh quen rồi, nhưng thằng Tùng thì thảm hại. Nó bị đánh bầm một mắt, chân thì đau đi không được khiến anh Bi phải cõng nó về. Tôi cũng chẳng biết số phận nó sẽ đi về đâu trong cái bộ dạng đó, không biết má nó có ôm nó vào lòng không hay là đánh cho một trận. Tôi không biết về nó, nhưng tôi biết về tôi, tôi bị má đánh cho một trận nhớ đời vì cái tội rủ thằng Tùng đi chăn bò. Rồi má cấm tôi đi chăn bò luôn, thay vào đó là anh tôi. Lúc đó tôi chẳng viết nên buồn hay nên vui. Câu chuyện mà thằng Tùng kể cứ xoay xoay trong suy nghĩ tôi. Hình như nó nói thật.
***
Mùa hè đó tôi đi chăn bò được 2 tuần, sau sự cố với bọn mỏ đá thi tôi bị thôi việc, tiếp theo tôi bị ba lôi vào Sài Gòn, tiếp theo nữa tôi bị Bác lôi sang Canada. Và cuộc trò chuyện ở ngôi nhà trên cây cũng là lần cuối cùng tôi nói chuyện với thằng Tùng. Sống ở xứ người, mọi thứ đều khác lạ, nhiều lúc thèm muốn được một ngày quay về với ngày xưa. Tôi phải mất một thời gian khá dài mới thôi khóc và thôi nhớ về biệt đội chăn bò của mình. Thời gian thì cứ thế trôi, và tôi thì cứ thế nhớ. Sau 10 năm không biết giờ tụi nó như thế nào, tôi vẫn cứ tò mò không biết hôm thằng Tùng bị đánh má nó có ôm nó vào lòng không?
Tôi lang thang tìm lại những kí ức, những gì mà đám chăn bò tụi tôi đã để lại trên mảnh đất này. Tất nhiên, giờ chẳng còn gì cả, tôi chỉ đi để nhớ, để yêu hơn cái tuổi thơ của mình, ai bảo chăn bò là khổ chứ, chăn bò vui chết đi được. Tôi lội bộ vào bãi một, bây giờ chỗ này kiểm lâm trồng trầm dày đặc, cây đa cổ thụ thì vẫn còn đó. Chỗ chúng tôi làm cái nhà giờ chỉ còn vài cái đinh sót lại. Thời gian trôi đi, mọi thứ đều thay đổi.
Nhà thằng Tùng bây giờ là một khách sạn, tôi ghé vào cái quán bánh tráng mắm ở gần nhà nó. Chỗ mà tôi với thằng Tùng vẫn ăn mỗi khi học về.
- Bà ơi, nhà ông Chín giàu giờ chuyển đi đâu rồi ạ?
- Ôi dào... có trời mới biết cháu ạ, vài năm trước thằng con ổng tự tử, rồi sau đó công ty ổng phá sản, bán nhà đi nơi khác rồi - vẫn là cái giọng quen thuộc của bà già bán bánh tráng trộn, nhưng dường như nó đang loãng ra rồi tan đi trong cái cảm xúc bàng hoàng của tôi. Cái tin tôi không ngờ tới.
Tôi dò hỏi vài người khác. 5 năm trước, bố mẹ thằng Tùng ly dị, và họ nói cho nó nghe rằng nó không phải là con ruột của họ. Hai người đùn đẩy trách nhiệm phải nuôi con, và rồi giao cho chị giúp việc nuôi với một khoản tiền hàng tháng. Và có lẽ vì không chịu nổi sự thật, cộng với một sự thèm khát yêu thương mà nó đã đi tìm một sự giải thoát. Tôi đoán vậy...
Thằng Tùng nhảy từ trên cây đa xuống, nó nhảy từ cái nhà mà bọn tôi và nó đã dựng nên. Có phải những ngày đi với bọn tôi là những ngày vui nhất của nó... và có phải nó muốn ra đi ở cái ngôi nhà của nó. Tôi đoán vậy...
Tôi ước gì mình có thể quay ngược thời gian, lúc đó tôi sẽ không cho nó theo chăn bò, không cho nó trèo lên cây đa, không xúi nó nhảy xuống để về mẹ nó bó chân cho nó. Tôi ước tôi có thể làm điều gì đó để ba má nó quan tâm nó, yêu thương nó. Nhưng đó chỉ là ước thôi, biết đâu ở nơi nào đó nó hạnh phúc.
Mùa hè, có tiếng ve kêu râm ran. Tôi xếp hành lý vào vali. Trước khi đi, tôi có ghé qua phần mộ của nó, đặt lên đó một bức tranh tôi vẽ. Suốt đêm qua tôi đã vẽ, tôi vẽ lại cả tuổi thơ của mình, một ngôi nhà bé nhỏ trên cây, bức tranh không đẹp lắm, màu còn bị loang lổ vì những giọt nước mắt cứ rơi xuống làm nhòe đi những gam màu.
Leo9x