Đâu đó trong căn phòng, trong đầu đều có riêng cho mình những suy nghĩ nhưng chung lại tất cả đều là nỗi xót xa, quay quắt khi xa nhà.
***
Trở về nhà sau giờ tan tầm của buổi ca đêm. Nó uể oải bước từng bước mệt nhọc vào phòng trọ của nó. Đặt túi xách lên bàn, nó ngả lưng xuống chiếc giường cọc cạch. Nằm gác tay lên trán, nó thở dốc. Để cho cơn mệt thấm hẳn xuống nó đứng dậy đi lấy cốc nước uống đỡ. Ngồi cạnh chiếc bàn gỗ cũ kĩ, nó mới để ý, nhà chẳng còn ai ngoài nó. Phòng trọ nó có năm người, hai chị kia đã về quê, còn hai đứa kia đi làm chưa về. Căn phòng trở nên trống trải và hiu quạnh. Nó nhìn quanh căn phòng một lượt rồi thở dài não nề.
Những ngày cuối năm, trời càng thêm lạnh, nhất là về đêm. Nó đi làm về mà những cơn gió đông bắc thổi về làm nó rùng mình. Chả hiểu sao lúc này đây nó lại thấy buồn lạ. Phòng trọ nó ở nằm sâu trong một con hẻm nhỏ cách đường lộ khoảng 300m nên về đêm mọi thứ trở nên tĩnh lặng không ồn ào như những con phố ngoài kia, tấp nập người và xe đi lại, cơ hồ chỉ còn nghe thấy tiếng dế kêu hay lâu lâu vài tiếng chó tru lên bất chợt. Có lẽ trong nỗi cô đơn và không gian tĩnh lặng của căn phòng làm tâm trạng con người nó không khác gì một hồ nước yên lặng, thật khẽ và im lìm. Nó thấy mình thật cô đơn và buồn man mác. Nhìn qua khung cửa sổ, phía xa xa là những ánh đèn lấp lánh phát ra từ những toà cao tầng, ánh trăng đã lên quá nửa ngọn cây. Ngoài trời, một màn đêm u ám như bao trùm lấy tất cả, ánh mắt nó nó nhìn xa xăm. Tự nhiên nó bỗng thấy nhớ mẹ nó!
Nó bước chân lên Sài thành khi nó vừa tròn 18 tuổi. Cái tuổi mà đẹp nhất đời con gái. Vừa tốt nghiệp phổ thông xong, nó quyết định đi làm trên thành phố để đỡ đần mẹ. Nhà nó thì nghèo, ba mất từ khi nó mới lên 10 nên mọi chuyện đều đè nặng trên vai mẹ nó. Hơn 8 năm trời từ khi ba nó mất, một tay mẹ nó nuôi hai chị em nó ăn học, chỉ với gánh hàng rong nhỏ. Suốt ngày mẹ nó cứ đầu tắt mặt tối bươn chải ngoài đời, chịu đựng sương gió để cố gắng kiếm tiền nuôi cả nhà. Mẹ nó trong vai trò làm mẹ, vừa mang trọng trách như một người cha, luôn mong muốn hai chị em nó sau này có công ăn việc làm tử tế, đừng có khổ như ba mẹ nó. Nhưng rồi, cái đói cái nghèo cứ đeo bám cả gia đình nó, suốt năm suốt tháng gia đình nó sống trong cảnh túng quẫn lẫn miếng ăn cái mặc. Có lúc cả nhà nó phải ăn mì tôm sống thay cơm hay đi vay gạo từ nhà hàng xóm để qua cơn đói.
Và rồi, khi không thể nhìn một mình mẹ nó phải lăn lưng ra kiếm tiền để nuôi nó ăn học, nó cũng xin phép mẹ sẽ đi làm. Mẹ nó can ngăn "Chả lẽ con bỏ dở con đường học vấn bấy lâu à? Mẹ xin con. Mẹ dù có khổ cỡ nào cũng phải cho hai chị em con ăn học tới nơi tới chốn. Ba con nếu còn sống cũng sẽ không cho con nghỉ học đâu." Vừa nói mẹ nó vừa khóc. Nhìn cảnh ấy mà lòng nó đau thắt. Nhưng nó không can tâm để mẹ nó phải chịu khổ hoài, nó nuốt nước mắt vào trong, rồi nói với mẹ nó "Mẹ à, con cũng đã tốt nghiệp rồi, bây giờ con có thể xin việc làm phụ giúp mẹ. Còn em con, cứ để nó đi học. Con sẽ cố gắng gửi tiền về nuôi nó khi nó vào đại học." Nghe thấy thế mẹ nó định sẽ tử tự nếu nó bước chân ra khỏi nhà. Thế là nó đành ngậm ngùi ở lại. Khoảng một tuần sau, dường như lí trí nó mách bảo không thể để chuyện này tiếp diễn nữa, nó ra đi.
Ngày nó đi, nó chẳng nói với mẹ nó câu nào, chỉ để lại lá thư với vài dòng vỏn vẹn "Mẹ, con chán cái cảnh này lắm rồi! Suốt ngày chỉ có rau muống, nước mắm rồi cơm cháy. Con không thể sống như vầy nữa. Con sẽ lên thành phố kiếm tiền về cho mẹ. Mẹ cứ yên tâm ở nhà nuôi em con. Mỗi tháng con sẽ gửi tiền về." Khi ghi những dòng ấy, lòng nó đau lắm, nhưng biết sao được, nó thương mẹ và em nó nên mới nói vậy để mẹ khỏi đau lòng. Và rồi, nó chính thức hoà mình vào cái thành phố hoa lệ, nhộn nhịp, ồn ào nhưng đầy cảm bẫy, phức tạp.
Nó vào xin việc trong một quán nhậu bình dân. Công việc cũng không có gì nặng nhọc, lương tháng cũng ổn, thế là nó an tâm. Tối đi làm, sáng nó đi học thêm ở trung tâm anh ngữ nhỏ để kiếm cái bằng Tiếng Anh. Nó vừa đi làm vừa dành dụm tiền để chi trả học phí cũng như gửi tiền về cho mẹ nó. Mấy chị chung phòng thấy tình cảnh tội nghiệp của nó nên cũng góp vào chút ít. Hơn hai năm nay, nó chưa về nhà một lần nào. Nó sợ gặp lại mẹ nó. Nó nhớ mẹ lắm nhưng biết làm sao được! Lâu lâu, nó gửi tiền về kèm theo một bức thư nói mẹ và em nó cứ yên tâm, nó vẫn ổn. Thế là một thời gian dài đằng đẵng, nó gần như chưa được cái hưởng cái không khí ngày tết cùng gia đình bé nhỏ của nó. Ngày tết, khi mọi người đã về quê hết, chi còn nó đơn độc trong căn phòng quạnh quẽ, lòng nó chợt lạnh buốt. Nó đã từng khóc nhiều lần mỗi khi nhớ đến mẹ.
Cuộc sống trên thành phố khác hẳn với quê nó. Người ta cứ tranh đua, bon chen trong cái xã hội này để kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn. Dòng đời cứ cuốn họ vào vòng xoáy của đồng tiền, mà quên đi cuộc sống đích thực là bên cạnh họ còn có gia đình, bạn bè, người thân. Nhiều lúc nó cảm thấy người ta chỉ sống vì tiền. Ở đây, nó thấy cái gì cũng đắt đỏ, muốn ăn mà chẳng dám mua gì. Còn con người thì dửng dưng, không mấy thân thiện như người dân quê nó. Cuộc sống khiến nó phải gồng mình chịu đựng, cố thích nghi để tồn tại nơi phồn hoa đô thị này.
Mỗi ngày đi làm về, nó cảm thấy buồn chán và mệt mỏi, hầu như nó chẳng cảm thấy một sự thích thú hay vui sướng khi được lên thành phố sống. Mà thay vào đó là sự cô đơn vô hạn, nỗi nhớ nhà và thiếu tình yêu thương. Sài Gòn đông vui, tấp nập thật đấy, nhưng đôi khi nó vẫn chạnh lòng vì thấy mình cô độc. Dù đứng giữa biển người, thì trái tim nó vẫn biết chỉ có gia đình mới có thể sưởi ấm nó mà thôi. Nó lang thang khắp thành phố để tìm sự khuây khoả và muốn vơi đi sự nhớ nhà, nhưng càng ngồi một mình nó lại càng cô đơn gấp bội. Nó nhớ lại những ngày tháng bên gia đình của nó mà nước mắt lưng tròng.
Nó thèm món rau luộc của mẹ nó hay món cá kho tổ mà gắn bó suốt tuổi ấu thơ của nó, ngay cả trong giấc ngủ nó lại mơ về mẹ gắp thức ăn cho nó. Nó khẽ cười. Còn bây giờ, dù là ăn trong quán nhưng với nó tất cả thứ ấy đều nhạt thếch và chả có mùi vị gì. Nó ăn mà nghẹn đắng nơi cổ, những miếng cơm khô khốc, những miếng cá nhạt nhẽo chẳng bằng một bữa cơm do mẹ nấu đong đầy yêu thương và tình cảm nêm nếm vào. Nó xót xa, tiếc nuối khi nghĩ lại. Ước gì bây giờ nó được ăn một bữa cơm dù là đạm bạc, dung dị thôi của mẹ nó thôi là nó thấy ấm lòng rồi...Nó nhớ tiếng cười trong trẻo của thằng em mỗi khi nó được điểm 10 rồi tí tởn về khoe mẹ, nhớ mỗi lần hai chị em tranh nhau con chuồn chuồn bắt được ngoài ngọn đồi gần nhà hay nhớ mỗi trưa hè hai chị em bắt võng trên cây xoài đằng sau nhà, nằm nghe tiếng chim hót vang dậy lòng ai. Nó còn nhớ dáng mẹ khắc khổ mỗi đêm về để may cho nó chiếc áo bị rách ở vai, nhớ những lần mẹ nó bảo "Thôi, khuya rồi. Ngủ sớm đi con!" khi nó ôn bài quá khuya...Tất cả, tất cả như hiện về đâu đó. Rất gần, rất thật và rất thân thương. Nó đưa tay ra chạm khẽ vào những hình ảnh kí ức ấy mong được tìm về một chốn bình yên nơi xưa. Nhưng rồi, những thứ ấy chợt tan biến vào không trung. Nó ngỡ ngàng, thẩn thờ và hụt hẫng, có chút gì đó mằn mặn nơi khoé môi nó.
Đã nhiều lần, chính cuộc sống khắc nghiệt này đã đánh gục nó. Nó chán nản và buông xuôi tất cả, dường như mọi thứ như bỏ rơi nó, để nó lạc lõng giữa một biển người mênh mông nơi phố thị này. Những đêm hè vắng lặng, chỉ còn tiếng gió mơn man nơi những ngọn cây trước nhà, nó ngồi bên hiên nhìn lên ánh trăng sáng vằng vặc mà lòng nó trống trải, mông lung. Nỗi cô đơn, tủi nhục xâm chiếm lấy tâm trí, nó thấy buồn man mác. Và nó khóc. Cứ thế, nó để nước mắt chảy dài trên gò má vốn đã chai sạn đi theo thời gian.