Học cấp hai, tôi với nó chung trường, chung lớp. Vì nhà tôi xa hơn, ngày ngày tôi phải sang chở nó đi cùng. Chưa một lần nào thấy nó đèo tôi một cách tự nguyện, mặc dù nó to xác hơn tôi nhiều. Một thời gian dài tôi phải vất vả đạp xe dưới trời nắng, có lắm lúc tôi tự bảo hay là thôi đừng cho nó theo nữa, để nó đi một lần cho quen, nó cũng có xe mà. Nghĩ thế nhưng rồi tôi cũng tự buồn cười vì biết mình chẳng bao giờ đi đâu mà thiếu nó được. Tôi vô lý bằng cách tìm ra những cớ có lý để bắt nó phải đèo. Một hôm tôi tự xả hết hơi lốp xe của mình. Một hôm khác nữa, tôi táng chân vào đá để cho máu chảy ròng ròng. Nó phải đi ngược lại một đoạn để đón tôi, dĩ nhiên là với vẻ mặt cau có. Những lúc đó tôi quan sát thấy nó đạp xe với phong cách uể oải đặc biệt, giống như đang làm ơn cho ai mà biết chắc sẽ không được đền bù.
Trong lớp, nó học rất kém môn tiếng anh. Còn tôi thì là cán sự bộ môn này. Cô giáo bảo tôi giúp đỡ nó, trong vòng hai tháng phải đôn đốc nó lên được năm phẩy. Tôi quăng cho nó mấy cuốn sách, nó đọc đâu được vài chữ thì bắt đầu lảng sang chuyện khác. Nó nói một hồi cũng đến lúc tôi không tài nào trở về điểm xuất phát được nữa. Biết tôi khó khăn trong môn toán, nó ra sức dụ dỗ, bảo rằng sẽ làm bài tập giúp tôi, nếu tôi cho nó nghỉ một bữa để đi đá banh. Rốt cuộc, đến ngày mai tôi mới là người phải làm vội vàng bài tiếng anh để nó không bị cô giáo phạt.
Lớp thành lập đội bóng đá, tất nhiên là không thể thiếu nó. Ngày nào nó cũng đi từ sáng sớm, đến trưa về đi học với bộ quần áo xộc xệch. Cô giáo kiểm tra bài học, bài tập gì nó cũng đều không thuộc, chưa làm, hoặc bỏ quên tập ở nhà. Tan học tôi đi tìm nó nhưng không thấy vì nó tót đi ngay sau khi tiếng trống đầu tiên vang lên. Tôi đành mang sách sang tận nhà, chờ mãi đến tối mịt mới thấy nó về, người ngợm bẩn thỉu và bốc mùi. Ngày nào cũng vậy, riết rồi tôi thấy bực mình, tôi nói với nó rằng nếu đá banh hoài mà không học hành, tương lai sẽ chẳng nên việc gì đâu. Nghe đến đó, nó phá lên cười, chê tôi yếu đuối. Nó nói người như tôi, chẳng qua không thích thì không làm, chứ không nghĩ xa được như vậy.
Hôm sau, từ sáng sớm nó đã kêu í ới ở dưới nhà đánh thức tôi dậy. Nó bắt tôi cũng phải ra sân tập, ít ra là chứng kiến cảnh nó lăn xả, để cho tôi một "bài học". Tôi cười buồn, bài học gì, giá nó biết tôi có thể đánh đổi mọi thứ để có được sở thích bình thường như nó.
Khi chúng tôi đến nơi, cả khoảng sân rộng chỉ có mấy cái lá bàng rơi. Chẳng ai lại đi sớm về trễ giống như nó. Hóa ra nó kêu tôi đến để chụp banh, vì nó đã chán tập cùng với cái gốc cây. Tôi bị đẩy vào giữa khung thành, trở thành thủ môn bất đắc dĩ.
Cứ thế, tôi không đá, mà cũng đi sớm về muộn giống như nó. Tay, chân, mặt, mũi tôi đầy những vết bầm, trầy xước. Khổ một điều là, ba tôi lấy đó làm vui, ông nói: "Vết thương tạo nên con người gan góc. Ba ủng hộ con." Mẹ tôi hỏi: "Thế còn việc học?" Ba tôi chắc như đinh: "Nó tự sắp xếp được!"
Được mấy ngày, tôi trở nên ớn lạnh việc bị trái banh lao thẳng vào mặt nhưng vẫn thản nhiên như không có gì. Tôi nhẩm đếm từng ngày đến hội thao, mong nó qua sớm để tôi được yên thân. Rồi tôi cũng được thỏa nguyện theo cách khác, hôm đó nó bị ốm, mấy ngày sau cũng không thấy mặt mũi ở trường. Ngày đầu tiên không có nó, tôi thoải mái đọc sách, xem phim, nấu ăn, tận hưởng ngày chủ nhật, nhưng đến chiều, tôi bắt đầu thấy sao một ngày lại dài quá. Tôi cứ đi ra đi vô ngôi nhà trống trải, tự hỏi bây giờ nó đang làm gì, cái con người thích bóng bánh ấy. Hôm sau nó không đến lớp, tôi càng sốt ruột hơn nữa. Tôi chạy sang nhà nó, cửa chính đóng kín, tôi nhìn qua cửa sổ, thấy nó nằm trong một đống chăn mền lẫn lộn. Bà ngoại nó ra đóng cửa, nói với tôi rằng đến giờ nó xông, vì cả người nó nóng như lò thiêu. Bà nói lát sau tôi hãy quay lại nếu không muốn thấy nó chết vì trúng gió.
Nhưng rồi đến tối hôm đó và cả ngày hôm sau nữa, tôi bị cách ly ở nhà bởi một cuộc điện thoại của cô giáo. Cô than phiền dạo này tôi học hành sa sút, bài kiểm tra chẳng ra hồn. Ba tôi thở dài, đi lấy roi mây. Ba đánh mà tôi chẳng thấy đâu, chỉ thấy mâu thuẫn. Rốt cuộc ba cấm hay là không cấm tôi, tôi được phép làm gì, tôi thích điều gì mới là đúng đắn đây?
Tôi ở nhà một mình, chơi với đàn kiến. Mẹ tôi nói cứ thấy kiến ra khỏi tổ nhiều là biết chắc trời có mưa. Tôi lại nghĩ đến việc nó ốm nằm co ro ở nhà mà bên ngoài gió mưa lạnh lẽo, chắc nó khó chịu. Nhưng tôi đang muốn nó bệnh thật lâu cơ mà, nếu không ngày nào nó cũng bắt tôi đi tập, bắt tôi chịu những cú đá thánh thần như vậy...
Nó khỏi bệnh trước khi tôi kịp đến thăm. Tôi hỏi nó không hiểu những bài tập nào. Nó hỏi ngược lại tôi: bao giờ đội bóng ra sân thi đấu? Tôi nói rằng còn lâu lắm, nó cứ nghỉ ngơi cho khỏe trước đã.
- Nhà cách mấy bước chân, tao bệnh liệt giường mà chẳng thấy nổi cái mặt mày. Mày lo gì cho tao đâu, có mày sợ phải đi chụp banh thì có.
Rồi ngày đó cũng đến. Tôi đi cổ vũ nó. Tôi cầm hai chai nước, điềm tĩnh giữa một đám con gái la hét chí chóe. Để đẹp đội hình, tôi bị đẩy xuống làm hậu cần, rồi cuối cùng ngồi ở vị trí lề đường làm khán giả, nhưng như thế cũng tốt, vì tôi có mê bóng đá chút nào đâu, tôi chỉ đi vì ở đó có nó, vậy thôi. Từ đầu đến cuối, trong khi người ta theo dõi trái bóng, thì tôi chỉ quan sát nó, nhìn vẻ mặt nó say mê vào trận đấu, cách nó vuốt tóc sau một pha mất bóng, hay lúc mặt nó đỏ lên khi được lũ con gái gọi tên, tự nhiên tôi thấy vui vui. Phút nó ghi được bàn thắng, tim tôi đánh xà bần nhưng tôi cố gắng kiềm chế để không hét lên. Tôi đứng phắt dậy chạy ra sát đường biên, nơi cả đội đang tung bổng nó. Điêu nó làm đầu tiên khi thấy tôi giữa đám đông là xô mấy đứa kia ra, nhảy phốc lên lưng tôi rồi nắm lấy đầu tóc mà xù. Cả hai đứa té cắm đầu xuống đất, miệng tôi ngậm một nắm cỏ đất lẫn lộn nhưng tôi thấy vui hơn bao giờ hết khi biết tôi luôn là người đầu tiên mà nó muốn chia sẻ cảm xúc.
Nhưng chẳng được bao lâu, đội nó thủng lưới một bàn. Rồi bàn thứ hai, thứ ba liên tiếp. Thủ môn đấm tay xuống đất buông xuôi. Kết quả đội nó thua 3-1, đó cũng không phải là điều tôi để tâm. Tôi chỉ thấy lạ, lẽ ra nó phải suy sụp. Thay vì thế, nó nhìn sang phía tôi, khẽ mỉm cười. Tôi ra hiệu cho nó lại gần nhưng thật kì lạ, nó cứ đứng đó mà cười. Một hồi lâu, nó bỏ đi uống nước, mặc tôi một mình. Khi tôi quay lưng bước đi, tôi lờ mờ thấy trong đám đông vây quanh các cầu thủ có một con nhỏ chốc chốc lại quay sang bên này, nhưng khi nó bỏ đi thì cũng thôi không nhìn nữa.
Tôi chặn đầu nó với hai chai nước trên tay. Nó không nói gì, bình thản mở nắp chai mà dốc nước từ đầu xuống chân. Bây giờ nó mới lộ ra vẻ thảm hại của một kẻ bại trận. Cho đến lúc này tôi vẫn nghĩ có lẽ đứng trước tôi nó không bao giờ có thể che giấu được cảm xúc của mình.
- Mày thiếu chút may mắn. – Tôi nói chuyện với cái đầu tóc rũ rượi của nó, vì mắt nó đang nhìn đi đâu. – Tao nói zậy cũng không phải khen mày hay, tại theo tao thấy mày làm lỡ nhiều cơ hội.
Tôi cười: "Nhưng tao cũng khoái bộ dạng khi chụp ếch của mày J"
Nó liếc tôi, cười nửa miệng:
- Xịt, mày mà cũng bình luận về bóng đá nữa hả?
- Tại sao tao...
- Bạn chơi tốt lắm! Bạn là Bình phải không?
Con nhỏ lúc nãy chợt xuất hiện trước mặt tôi. Nhỏ có cái bím tóc dày vắt qua một bên vai. Con mắt của nhỏ long lanh sáng. Theo tôi được biết những người nào có mắt long lanh thường sống nội tâm, ít nói nhưng toan tính nhiều. Tôi cũng thấy rằng những người đó có một sức hút rất lớn và khó cưỡng.
Bỗng dưng nó, hành động với thái độ khác hẳn ngày thường. Nó trả lời những câu hỏi của con nhỏ một cách rất ấp úng. Nó cũng không dám nhìn vào mắt con nhỏ. Qua cái khoác tay lên vai tôi một cách vụng về, tôi có thể cảm nhận từng đợt run rẩy cũng như sức nặng của toàn bộ cơ thể nó dồn vào một điểm tựa duy nhất, đó là tôi. Tôi cố tìm đôi mắt nó đế hiểu xem nó đang nghĩ gì, nhưng thất bại.
Con nhỏ nói lời tạm biệt, quay đi.