Khi đó, tôi đi đến một nơi, theo tôi là xa nhất trong cánh đồng hoa lưu ly của chúng tôi. Mỗi khi gặp chuyện buồn tôi vẫn hay tới đó để nói chuyện với mẹ theo cách của riêng tôi.
Tôi ngồi phịch xuống thảm cỏ héo úa, vì khi đó là mùa đông, trời thì xám xịt lạnh ngắt. Rồi tôi khóc, nức nở khóc.
- Sao cậu khóc ở đây vậy Lưu Ly?
Các bạn biết đó, khi ấy tôi ngạc nhiên và sợ hãi vô cùng, vì ngoài tôi ra chẳng ai biết nơi này, và khi tôi quay lại tôi lại càng ngạc nhiên hơn, khi thấy người đứng trước mặt tôi, không ai khác chính là Pi.
- Sao...sao...Tôi lắp bắp nói chẳng thành lời
- Sao tớ lại tới được đây đúng không? Pi cười
Tôi khẽ gật đầu, nước mắt vẫn tèm lem trên vòm má.
- Đừng khóc nữa, trả lại cậu này.
Nói rồi, Pi lôi từ trong chiếc ba lô nâu của cậu ấy ra một xấp tranh của tôi.
- Tại sao...tại sao cậu lại lấy được?
- Đó là chuyện của tớ, chuyện của cậu bây giờ là cầm lấy và ngừng khóc.
Pi khẽ mỉm cười!
Rồi Pi dúi mấy bức tranh vào tay tôi.
- Cậu vẽ đẹp lắm, đừng từ bỏ đam mê nhé!
Nói rồi, cậu ấy đi thẳng về phía cánh đồng, mau chóng và mất hút sau những rặng cây cam trồng ở rìa thung lũng.
Tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra trước mắt mình, tôi bị cướp mất tranh, rồi sau đó lại được cậu bạn mà tôi thầm mến mộ lấy lại.
Tôi miên man suy nghĩ, rồi tự mỉm cười, tôi đứng dậy và đi về nhà, những tia nắng mùa đông khẽ dải nhẹ trên bước chân tôi.
...
Sau lần đó, tôi không thấy Pi lạnh lùng như cái cách mà tôi thường nghĩ nữa, cậu ấy cười nhiều hơn thì phải, ít nhất là đối với tôi. Thi thoảng lên thị trấn tôi có gặp cậu ấy, rồi hai đứa nói chuyện, lúc đó tôi mới thấy cậu ấy không lạnh lùng và ít nói đâu, cậu ấy nói nhiều là đằng khác. Chúng tôi nói chuyện về những bức tranh, về ngôi nhà của chúng tôi trên cánh đồng hoa lưu ly.
"Cậu có một căn nhà thật tuyệt, trên một cánh đồng tươi đẹp"
"Nhưng mọi người thường nói, chỗ tớ ở rất hoang vu, vắng lặng, đôi khi tới rợn người".
Pi cười lên ha hả:
"Vậy mà mùa xuân ai cũng thích tới xứ sở của cậu đó".
Tôi khẽ cười khi nghe tới hai từ xứ sở, cứ như kiểu căn nhà chúng tôi đang ở một mảnh đất thần tiên trong câu chuyện cổ tích vậy!
Cũng bắt đầu từ lúc đó, tôi có cho mình những dự định riêng biệt, tôi sẽ vẽ tranh tặng cho Pi, điều mà trước giờ tôi vẫn mong ước làm, chứ không có cơ hội.
Nhưng cho tới khi tôi hoàn thành xong những bức vẽ ấy, tôi đinh ninh là sẽ đem lại tặng nó cho Pi, Pi sẽ vui vẻ nhận lời.
Nhưng những việc đó, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được nữa, khi Pi đột ngột rời bỏ cuộc sống của chúng tôi. Nghe nói là đi tới một nơi xa xôi lắm.
"Pi sẽ nghỉ học kể từ ngày hôm nay" Cô giáo thông báo với chúng tôi điều đó
"Bạn ấy đi đâu?" Một đứa con gái trong lớp tôi lên tiếng.
Cô giáo chỉ cười buồn, rồi không nói gì thêm nữa.
Những ngày sau đó, Pi không tới lớp, cũng không xuất hiện ở thị trấn, hay ở góc bí mật nào đó trên cánh đồng hoa lưu ly của chúng tôi nữa. nghe mấy đứa trong lớp tôi nói, Pi cùng gia đình ra nước ngoài định cư thì phải, nhưng có đứa lại nói Pi đi Úc để chữa bệnh, nghe tới đó một nỗi sợ hãi lại ngập tràn tâm trí của tôi.
Những ngày sau khi Pi đi, những câu chuyện tuổi thơ của tôi chưa bao giờ là tươi đẹp cả, trừ cái khoảnh khắc mà cậu ấy ở bên cạnh tôi, ấm áp lắm, dù chỉ là một chút thôi.
Tôi có kể với ngoại về câu chuyện buồn đó, bà khẽ xoa đầu tôi và an ủi: "Vào một ngày không xa, con sẽ gặp lại cậu ấy".
Tôi không ngừng hy vọng, biết đâu có ngày đó
4. Một chân trời mới
10 năm sau gia đình tôi chuyển nhà, chúng tôi rời xa thị trấn của mình để tới một thành phố, một chân trời đối với tôi nó hoàn toàn mới lạ, tôi không còn bỡ ngỡ như những ngày xưa nữa, những câu chuyện trong tuổi thơ luôn dạy tôi phải sống mạnh mẽ hơn, và khi đó rồi mọi chuyện sẽ qua cả thôi!
Căn nhà của chúng tôi không phải là căn nhà nhỏ bé nằm trên cánh đồng hoa lưu ly rộng lớn, bất tận nữa. Mà thay vào đó là một căn nhà gác nhỏ bé nằm sâu trong một con ngõ hẹp trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy.
Ngày ba nói sẽ chuyển nhà xuống Hà Nội để sống, tôi chẳng vui tẹo nào. Cứ nghĩ tới cảnh phố xá tập nập ồn ã, bụi bặm là tôi thấy chán rồi. Nhưng anh Dương của tôi chuyển công tác xuống đó, nên cả nhà đành phải đi theo, vả lại xuống đó sẽ tiện cho công việc học hành của tôi. Ngay sau một năm chuyển xuống Hà Nội, tôi thi đỗ đại học Ngoại Ngữ.
Nhà ở gần trường nên tôi có thể đi bộ, mà không phải đi xe buýt. Nói thực là tôi rất sợ đi xe buýt ở Hà Nội. Anh Dương luôn bận rộn với công việc ở công ty, có khi tối mịt mới về nhà. Còn ba thì bận tối ngày với công việc ở một quán ăn nhỏ, ban đầu anh Dương tôi không đồng ý với ba về chuyện đó. Nhưng ba nói ở không ba thấy chán nên đành kiếm một công việc để làm. Tôi thương ba nhiều lắm, từ ngày mẹ ra đi, ông luôn sống lầm lũi, âm thầm như một cái bóng vậy.
Tôi cũng kiếm cho mình một công việc khá nhẹ nhàng tại một hiệu sách nhỏ, nằm trên đường Phạm Văn Đồng, sáng đi học, chiều tôi lại đi làm thêm. Tôi nghĩ rằng, tạo ra cho mình sự bận rộn, khi đó tôi cảm thấy những tháng ngày nhàm chán của mình trôi đi nhanh hơn.
Những ký ức và hoài niệm về mẹ, về những hình ảnh trong thị trấn tuổi thơ tôi, và dĩ nhiên cả cậu bạn có nụ cười ấm áp tên Pi của tôi nữa. Cậu bạn mà tôi vẫn âm thầm mến mộ từ ngày đó. Mọi điều đó, trong tôi, vẫn vẹn nguyên như thưở nào. Tôi tin rằng giờ đây ở một nơi xa xôi nào đó, Pi đang sống những ngày tháng hạnh phúc. Và có lẽ cậu ấy chẳng bao giờ nhớ về tôi nữa. Ấy vậy mà, tôi có quên được đâu!
Công việc làm thêm của tôi ở hiệu sách nhỏ, khá nhẹ nhàng, tôi chỉ việc trông sách, hay tìm giúp khánh hàng những quyển sách mà họ muốn. Thời gian rảnh tôi có thể tha hồ đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.
Vào một buổi chiều mùa thu tháng 10, tôi rảo bước tới hiệu sách để làm việc. Hiệu sách vắng tanh, trong khi hôm nay lại là một ngày rất đẹp trời.
Tôi sắp xếp lạ một số chồng sách nằm một cách ngay ngắn trên kệ, rồi cầm cuốn sách "Cuộc đời của Pi" lên và đọc, tôi đã đọc cuốn sách này rất nhiều lần rồi, nhưng mỗi khi cầm lên là tôi lại đọc ngay.
- Chào cậu, cậu có thể cho tôi hỏi một chút được không? Một giọng nói ấm áp vang lên bên tai tôi.
Tôi ngước lên và thoáng ngạc nhiên, một cậu con trai đang đứng trước mặt mình.
Tôi khẽ bối rối:
- Cậu...hỏi gì cơ? Tôi có thể giúp gì?
- Cậu làm ơn tìm hộ tôi cuốn sách "The fault in our star"của tác giả John Green được không?
- Một tiểu thuyết tình cảm? Tôi khẽ cười.
- Tôi nghĩ là vậy, tôi mua hộ mẹ thôi?
- Mua cho mẹ cậu? Tôi càng ngạc nhiên hơn.
- Ừm...Cậu ta cười.
- Mẹ cậu thật đặc biệt! Tôi cười!
- Cậu sẽ giúp tôi chứ?
- Dĩ nhiên! Nhưng hiện tại cuốn đó đã hết hàng. Chắc mai cậu tới lấy được.
- Mai thì...tôi hơi bận! Cậu giữ hộ tôi một quyển được không, rảnh thì tôi qua lấy.
Tôi gật đầu đồng ý với cậu ta.
Tôi biết cậu con trai đó là ai!
Cậu ta tên Duy Anh học bên khoa tiếng Pháp, một người rất đặc biệt, ít nhất là đối với đám con gái chúng tôi. Một anh chàng đội trưởng đội bóng rổ của trường, một anh chàng nói tiếng Pháp như gió, một anh chàng với nụ cười như nắng, thì sao lại không đặc biệt chứ.
Lần đầu tiên, tôi gặp Duy Anh là trong hiệu sách đó!
"Cậu cũng học ngoại ngữ?"
"Tớ học tiếng Nga"
"Tớ học khoa tiếng Pháp"
"Tớ biết"
"Tớ vẫn không biết tên cậu?"
"Ly. Lưu Ly"
"Tên một loài hoa?"
"Chắc cậu biết ý nghĩa của nó"
"Forget me not". Duy Anh cười.
Tôi cũng vậy.
Đó là lần thứ hai tôi nói chuyện với Duy Anh, khi tôi mang cuốn sách tới cho cậu ấy như lời tôi đã hứa.
Và cũng từ đó...
...Từ câu chuyện về những cuốn sách, những bức tranh và những trận đấu bóng rổ giúp cho tôi và Duy Anh trở thành những người bạn. Thú thực tôi chẳng hiểu cái mô tê gì về bóng rổ đâu, cách thức chơi, tính điểm hay những cầu thủ nổi tiếng, đại khái như vậy. Ấy thế mà tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ để nghe Duy Anh thao thao bất tuyệt về những thứ đó.
Tôi thích xem Duy Anh chơi bóng rổ hơn, Duy Anh chơi cừ lắm.