"Mẹ ơi! Hôm nay con nghe người ta nói mẹ là ca ve đấy. Mấy nhỏ bạn con cũng nói nhưng con không hiểu, ca ve là gì vậy mẹ?"
***
Trở mình trên giường, tôi bắt đầu cảm giác được cái lạnh như đang vồ lấy, bọc siết da thịt mình. Hình như đêm qua trời mưa lớn thì phải. Mưa đã lén lút trút nước vào lúc tôi lịm đi và chợp mắt. Vậy là tôi lại không thể hoà cùng vào mưa, để tắm cho sạch nỗi buồn đang nhầy nhụa chảy dài khắp người mình. Khổ thật!
Cuộc sống của người cô đơn đôi lúc cũng làm tôi thấy tủi thân hơn. Nhưng tôi là người không muốn quan tâm nhiều đến đàn ông. Hai tiếng "đàn ông" nghe lớn lao và trách nhiệm đó đã mang đến cho tôi không ít những hờn tủi.
Mới mấy tuổi đầu tôi đã bị người ta nhìn bằng ánh mắt soi mói, kinh tởm. Lúc nào người ta cũng coi tôi như nghiệt chủng. Người ta gọi mẹ tôi là ca ve. Lúc đầu tôi chẳng hiểu hai từ đó có nghĩa là gì? Tôi thấy hay hay cũng nhẩm theo thích thú.
- Mẹ ơi! Hôm nay con nghe người ta nói mẹ là ca ve đấy. Mấy nhỏ bạn con cũng nói nhưng con không hiểu, ca ve là gì vậy mẹ?
Đó là câu hỏi đầu tiên năm tôi 5 tuổi. Tôi đâu biết cái ngây thơ của mình đã vô tình quất vào tim mẹ những lằn roi rát bỏng.
Rồi sau đó một thời gian dài tôi không được gặp mẹ. Mẹ gởi tôi về ngoại, năm đó tôi vào lớp một. Tôi nhớ không nhầm thì trong quãng đời đi học, mẹ chưa bao giờ đi họp phụ huynh cho tôi lần nào.
Tôi không có ba.
***
Lúc nhỏ tôi học bét đến nỗi giữ vị trí khoá sổ. Mỗi lần họp phụ huynh về ngoại lại trút cơn tức giận lên đầu tôi. Có một lần kết quả tệ quá, ngoại lại sẵn có chuyện không vui, chính ngoại cũng buông vào tai tôi những lời lẽ cay cú:
- Mày có ăn học thì đừng để người ta phỉ nhổ. Hay muốn làm đĩ cả lũ hả?
Lúc đó tôi cũng dần ngẫm ra được hai từ " làm đĩ". Mỗi lần nói ra cả bà và mẹ đau đớn như quằn quậy trong vũng bùn sền bẩn của chính mình.
Tôi nghĩ bà ngoại không thương tôi. Tuổi thơ của tôi vui thì ít nhưng bất hạnh thì nhiều, bất hạnh - tôi nghĩ là vậy. Bởi trong kí ức tuổi thơ tôi dường như không có gì để nhớ, không có lấy một người bạn thân. Lúc nào cũng lầm lì, nhìn người ta chơi đùa vui vẻ mà đôi lúc thèm muốn.
Mẹ tháng nào cũng gởi tiền về cho ngoại. Tôi nhớ mẹ lắm, nhưng ngoại chỉ nói, mẹ tôi đi làm rồi ở xa, tôi không thể lên đó được. Mẹ sống một mình chăng? Chắc mẹ sẽ buồn lắm! Cái đầu óc đơn giản của tôi làm sao hình dung rõ nét về công việc của mẹ là gì.
Rồi một buổi chiều, chiều ba mươi tết thì phải. Mẹ về thăm tôi, mẹ mua rất nhiều quà : Áo quần, giày dép và cả một con búp bê biết cười thật to nữa. Mẹ còn mua cho bà ngoại chiếc khăn quàng cổ nhung, chỉ có dịp trọng đại ngoại mới quàng vào. Đột nhiên tôi ghét cái mùi nước hoa đặc khét tỏa ra từ mẹ.
- Pha Lê ngoan, ở nhà nhớ nghe lời ngoại. Ít bữa về mẹ mua quà cho Pha Lê nữa nghen!
Mẹ nói yêu tôi mà tiếng nói đã chan hòa nước mắt.
Có lần mẹ nói, tôi không giống mẹ cũng không giống bà ngoại. Ngoại tôi ngày xưa là hoa khôi trong làng, rồi đến mẹ cũng vậy. Tôi không mặn mà giống mẹ, có lẽ tôi giống người mà tôi thoáng nghĩ là cha. Nhưng cái phổng phao của đứa con gái mới lớn cũng làm người ta chú ý như đón chờ một ca ve con.
Tôi đã khóc và hận tất cả những ai nhìn tôi khinh rẻ. Tôi tự nhủ rồi một ngày sẽ chứng minh cho họ thấy tôi không như thế, tôi trong trắng, sạch sẽ và có thể còn hơn hàng ngàn người với vẻ bề ngoài trong sáng thánh thiện kia.
Tôi vùi đầu vào học, học lấy học để. Trời không phụ lòng người, thành tích học của tôi vượt lên nhanh chóng. Ngày đỗ thủ khoa vào trường chuyên, tôi ngông nghênh trở về, mỗi nụ cười như nhát hét vào tai những người nào từng gọi tôi là đĩ con. Đĩ con thì sao? Liệu có mấy ai bằng một đĩ con như tôi? Tôi hả hê tột cùng.
Hôm đó ngoại nấu toàn món tôi thích để ăn mừng, nhưng lại vắng mẹ. Điều đó làm tôi buồn không chịu nỗi. Chẳng lẽ mẹ sinh tôi ra trên đời rồi quẳng tôi đi? Một ngày quan trọng như thế này mà mẹ cũng không về để hãnh diện cùng tôi? Tôi ghét mẹ!
Ngày tôi vào trường nhập học cũng là ngày mẹ ra đi mãi mãi. Tôi sững sờ khi nghe tin.
Linh cữu được đưa đi trong một buổi chiều xám lặng, tôi đi như một kẻ vô hồn, mắt rát bỏng chỉ chực trào ra máu.
Nhìn người ta hạ huyệt, ngoại tôi chết lịm đi, ngoại đã khóc rất nhiều từ khi ngoại biết mẹ bị bệnh, còn tôi - một đứa con bất hiếu có hay nỗi đau của chính đấng thân sinh mình. Cả ngoại và mẹ đều muốn che giấu, không ai cho tôi biết mẹ mang trong mình căn bệnh quái ác, HIV. Căn bệnh gắn liền với số kiếp của những người như mẹ.
Ai cũng trở về, tôi vẫn ngồi lại trơ một mình trong nghĩa địa, rồi tôi khóc. Cuối cùng tôi cũng có thể khóc, tôi hét, tôi đòi mẹ. Đôi tay sướt máu, tôi cào vào nấm đất còn thơm mùi hương của mẹ. Tôi đòi mẹ phải sống dậy, phải chứng kiến ngày tôi thành công. Tôi chưa làm gì để gột bớt khổ đau cho mẹ kia mà, cha tôi là ai? Cái con người tàn nhẫn đó là ai? Ai mà đến lúc mẹ ra đi vĩnh viễn vẫn không trở về. Tôi nức nở, kêu gào nhưng nấm đất khinh khỉnh trân tráo trả lời tôi bằng cái im lặng lạnh lùng.
Đêm đó tôi không ngủ được, nhìn di ảnh của mẹ là tôi lại khóc. Rồi chợt nghĩ ra, tôi quay sang lay ngoại:
- Ngoại! Sao mẹ vẫn không cho con biết ba con là ai? Con chỉ muốn biết thôi. Con sẽ không làm gì cả. Ngoại biết ngoại nói cho con đi ngoại...Ngoại nói gì với con đi.
Ngoại im lặng hồi lâu rồi trở dậy đến bên chiếc tủ thờ mẹ, lấy ra chiếc rương nhỏ. Tôi nhìn theo đôi tay run run của ngoại mà lòng như đông cứng lại. Có thể chính cái chiếc rương nhỏ đó đã gói gém cái bí mật cuộc đời tôi, cái bí mật mà cho tới lúc ra đi vĩnh viễn mẹ cũng không cho tôi biết.
Trời đêm về khuya, chỉ có tiếng rên rỉ của tán cây vì gió lạnh lùa qua , và cả tiếng thổn thức của hai cõi lòng đơn độc vấy đầy nước mắt. Cả ngoại và tôi như kiệt sức dần dần. Ngoại đưa cho tôi một phong thư còn dán kín. Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế mà ánh mắt không rời cái mảnh giấy còn phảng phất từng nếp gấp của mẹ.
Pha Lê của mẹ!
Con gái ngoan, đừng giận mẹ nghe con! Mẹ biết mẹ là một người mẹ chẳng ra gì. Mẹ đã không thể cho con một gia đình trọn vẹn. Mẹ không dám xin con tha thứ, đã có lúc mẹ nghĩ rằng đời mình chẳng còn gì đáng sống, nhưng chính con, Pha Lê con đã cho mẹ đủ dũng khí để bước tiếp trên cõi đời. Con là điều có ý nghĩa nhất mà mẹ đã làm được ở kiếp sống này.
Mẹ đã từng lo lắng và suy nghĩ rất nhiều, nhưng cuối cùng mẹ cũng đủ dũng khí để quyết định sinh con. Mẹ biết cái tuổi thơ "im lặng" của con, chính mẹ cũng rất sợ mỗi khi phải đối diện với ánh mắt con nhìn mẹ. Nhưng con biết không? Ông trời cũng đã rất tàn nhẫn với mẹ, đứa con gái mười bảy tuổi đời thì có lỗi gì mà bị cả ba tên đàn ông thi nhau vò nát thân xác.