Chàng nghèo. Cũng chẳng sao, vì càng có ý chí vươn lên. Chàng có một mẹ già và chàng yêu mẹ. Hơi gay đây! Điều ấy có nghĩa, cho dù ba mẹ Kim cho tiền mua căn nhà mới, chàng cũng không để mẹ sống một mình.
Chắc không sao, mẹ yêu chàng, có lẽ cũng yêu luôn người con gái chàng yêu.
Mọi việc có vẻ như đã ổn, nhưng lại có vấn đề mới phát sinh. Chàng là người không có gì nổi bật.
Đúng. Ngoài ý chí vươn lên, chàng không có điểm gì đặc biệt. Mà ý chí là cái không thể biểu lộ ra thành hình thù cụ thể. Vậy làm sao tránh được những lời xì xào nếu Kim lấy chàng?
Có lẽ mọi người sẽ nói: "Già kén, kẹn hom" hoặc: "Kén cho lắm rồi...". Đó là chưa kể Kim có cảm giác chàng lấy mình là do muốn lấy...gia đình mình. Thế là...
...
Em trai Kim lấy vợ. Kim thầm ghen tỵ với em dâu. Mang tiếng làm dâu nhưng nó không phải đụng tay vào bất cứ việc gì vì nhà đã có người giúp việc. Chướng mắt hơn khi Kim chứng kiến cảnh thằng em trai chu đáo với vợ và gia đình vợ. Hễ nghe ai nói rằng nó có phước vì được ba mẹ vợ thương mến, Kim muốn xổ toẹt ra ngay câu nói: "Thì họ mang danh nghĩa gả con gái, nhưng lại có được một thằng ở rể mà!"
Thỉnh thoảng, bắt gặp những cặp vợ chồng trẻ chở con đi dạo phố hay nhìn những đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn bi bo nói cười, tự nhiên trong Kim có một thèm khát bản năng. Cô thèm khát đến cháy lòng về một gia đình mà nơi đó cô là vợ, là mẹ...
Có một thắc mắc mà Kim không bao giờ dám nói ra: "Sao có những phụ nữ có thể lấy chồng một cách dễ dàng đến thế?". Chẳng hạn như Liễu, đứa em họ xa của Kim. Lấy chồng làm chủ thầu xây dựng, hơi già nhưng yêu vợ hết mực.
Được chiều chuộng như vậy, nhưng sau một thời gian chung sống, Liễu đòi ra toà ly dị. Thủ tục giải quyết xong, Liễu hưởng trọn nửa ngôi nhà, tài sản chung mà Liễu không mất một giọt mồ hôi nào đổ xuống.
Dòng họ chưa kịp chê trách, Liễu lại tuyên bó kết hôn với một chàng trai trẻ măng. Đám cưới cũng linh đình, dù có nhiều người trong dòng họ không đến dự. Nửa năm sau, hai vợ chồng cãi nhau ồn áo vì nghe đâu chàng trai trẻ ấy là một tên đào mỏ. Để thu hồi lại số tiền mà anh chồng trẻ của mình "đã đào", Liễu theo trào lưu, lấy chồng Đài Loan. Cũng mai mối, cũng rượu hồng, tiền tài, váy cưới... nhưng chàng rể xứ Đài chẳng có cách nào thuyết phục Liễu "quy cố hương" với anh ta.
Rồi cuộc tình không biên giới nhanh chóng kết thúc vì lý do "cách trở địa lý".
Bà con trong dòng họ lại lắc đầu chê trách cách ăn ở đoản hậu. Liễu tỉnh bơ: "Đầu óc của nó có vấn đề như vậy, chắc cũng không nhớ được chuyện gì lâu đâu. Rồi nó sẽ quên ngay thôi mà.."
"Đồ dơ dáy", đó là câu bật ra ngay trong đầu Kim khi nghĩ về Liễu. Có lẽ mọi người trong dòng họ đều nghĩ như Kim. Nhưng có một người đàn ông không nghĩ như thế.
Anh ta ngỏ lời lấy Liễu, dù trong dòng họ có người khuyên can anh bằng cách kể hết quá khứ của Liễu. Nhưng anh chàng vẫn khăng khăng giữ nguyên ý định ban đầu.
Sau ba lần lấy chồng, Liễu lại khoác lên người áo cưới màu trắng trinh nguyên, bướ cạnh chú rể mặt rạng ngời hạnh phúc. Cô mặc kệ những cái lườm nguýt, ngoa ngắt của Kim và mọi người trong dòng họ.
...
Cái anh chàng nhà nghèo từng gợi ý về một mái ấm gia đình với Kim chìa ra tấm thiệp hồng. Kim đi dự đám cưới của anh với tâm trạng như người mộng du.
Sau đám cưới khoảng một tháng, anh đến nhà chào Kim để đi xa. Thì ra, anh chàng được cơ quan cử đi học ở nước ngoài bằng tiền của nhà nước. Đến lúc chàng ra về, mẹ Kim chặc lưỡi tiếc rẻ: "Sau khi nó du học về, tương lai sẽ rộng mở vô cùng. Phải chi hồi đó con với nó...".
Cố nén tiếng thở dài, Kim ngắt ngang lời mẹ: "Mục đích anh ấy cưới vợ là để có người chăm sóc mẹ, để yên tâm đi nước ngoài chứ có phải yêu thương gì vợ mình. Cũng may là con..."
Tự nhiên, Kim bỏ lửng câu nói nửa chừng. Cô nhận ra không phải mình đang nói để trấn an mẹ mà dường như đang cố trấn áp một cơn nghèn nghẹn nãy giờ cứ chặn ngang lồng ngực.