***
Tuy là suối nhưng chẳng hiểu vì sao dân làng tôi từ già đến trẻ đều gọi là sông! Có lẽ vì nó cũng khá lớn nên dân làng thường nói với nhau như: ra sông tắm giặt, ra sông lấy rong lợn, ra sông mò ốc... Trẻ con thì rủ nhau cho trâu ra sông đằm để tranh thủ tập bơi, tập lặn hàng giờ dưới nước trong những trưa hè nắng bỏng. Vậy là từ suối nó đã được chuyển thành sông theo cách gọi của dân làng, cách gọi ấy trở nên thân quen, gắn bó với chúng tôi ngay từ tấm bé, đặc biệt tên các bến sông như: Gò Danh, Vực Cá Chày, Bến Gốc Bòng, Thác Ù... Đã thành điểm hẹn hò, tụ tập của lũ trẻ chăn trâu chúng tôi ngày ấy mỗi khi hè về, với bao trò chơi trên sông nước.
Vào mùa đông, dòng sông trở nên lạnh lẽo, buồn tẻ, vắng bóng người nó như đơn côi, lạnh giá hơn! Lòng sông hẹp lại, bãi sỏi, doi cát nhô lên mấp mô; gò đống, nước sông lặng lờ trôi, có những đoạn sông, người lội qua nước chỉ ngập ngang gióng chân trẻ con. Ngày bé đi học chúng tôi ngại nhất cảnh lội sông nước vào mùa này vì nước buốt lạnh và dễ làm nứt nẻ da chân đến chảy máu. Dải nước trong vắt róc rách chảy, luồn lách âm thầm dưới bóng những lùm cây và rặng tre ven bờ, miệt mài chảy mãi về xuôi chẳng hề biết mệt mỏi.
Xuân về, dòng sông được đánh thức bởi tiếng chim lảnh lót hót vang trên những lùm cây bên sông, hàng ngàn khóm hoa đua nhau nở rộ, khoe sắc đỏ tươi, chùm trắng sen lẫn chùm hồng buông mình soi bóng xuống lòng sông, dòng sông khi đó ngời lên bởi màu xanh của lá, sắc thắm của hoa thật lung linh, huyền diệu, từng đàn bướm dập dờn, vờn bay tìm đến với hương thơm của hoa làm cho cảnh sắc đôi bờ thêm tưng bừng náo nhiệt dưới nắng xuân ấm áp. Nước sông vẫn hiền hoà trôi xuôi về Nam mang theo cả những cánh hoa dun đỏ thắm cùng hương sắc của đất trời.
Chỉ khi mùa hè tới mang theo những trận mưa rào như xối, dòng sông mới choàng tỉnh. Nước từ thượng nguồn đổ về, nước từ trăm con khe đổ ra, nước dâng ngập bến bờ, dòng sông giận dữ, gầm réo, sẵn sàng cuốn phăng, nhấn chìm những gì có thể, nó như muốn chứng tỏ sức mạnh hoang dại với con người, tiếng nước chảy xiết qua những thác ghềnh réo vang như tiếng cười man rợ của quỷ dữ!
Những ngày mưa lũ dân làng hai bên sông thường mang vó ra sông cất cá vì theo dòng nước, cá từ các khe, hồ theo ra, cá ở sông lớn ngược vào đây là dịp đánh bắt rất tốt cho bà con, nhiều người còn bắt được cả ba ba, rùa rất to. Bọn trẻ con những ngày mưa lũ thường bị bố mẹ cấm không cho ra sông vì sợ nước cuốn trôi. Nước lũ thường lên nhanh và rút cũng nhanh, thường mỗi trận lũ chỉ kéo dài 2 đến 3 ngày, dòng sông lại trong xanh trở lại, nó để lại những dấu tích tàn phá dọc hai ven bờ, những đám lúa nát tan, nằm rạp sát đất, những bãi ngô đổ gãy tơi bời, những lớp phù sa mới bồi đắp loang lổ... Dân làng đã quá quen với cảnh như thế.
Yên tĩnh lập lại, dòng sông lại êm ả trôi, nó phớt lờ những tội lỗi của mình, vồn vã mở rộng lòng ôm lấy lũ trẻ chúng tôi vào lòng đùa nghịch. Chúng tôi thi nhau vùng vẫy, lặn ngụp, đuổi bắt nhau dưới nước, hay thi nhau lặn mò những hòn đá ráp về làm đá kỳ, có khi lại men theo chỗ nước cạn tìm nhặt những viên sỏi trắng nhẵn thín về đánh chắt chơi ô. Lùa đàn trâu xuống sông, lũ trâu thích thú đằm mình dưới nước, lắm con nghịch ngợm lặn xuống nước chỉ để hở mỗi chiếc mõm trên mặt nước chúng thở phì phì làm nước bắn toé lên người chúng tôi, nhìn chúng khi ấy thật ngộ nghĩnh, chúng tôi thi nhau kỳ cọ cho trâu, con nào con nấy đều đen bóng lên. Tắm táp thoả thuê chúng tôi lại nghễu nghện mỗi đứa cưỡi một con giong về đồng chăn cho tới tối mới về.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã hơn hai mươi năm qua đi. Làng quê đã nhiều thay đổi, riêng dòng sông vẫn đó như một chứng nhân, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của làng qua những tháng năm. Lòng sông vẫn rộng mở ôm ấp bao thế hệ dân làng kế tiếp nhau lớn lên bên đôi bờ của nó. Nước sông vẫn thì thầm tiếng của ngàn xưa cho dù những bến sông cũng có nhiều đổi khác. Giờ đây mỗi khi hè về, khắc khoải phía đồng xa tiếng chim cuốc kêu dóng dả và da diết lúc hoàng hôn về buông tím ngát phía trời tây, dòng sông lại hiện về trong nỗi nhớ của tôi với bao bạn bè của ngày xưa. Tiếng cuốc kêu như nhắc nhở ở nơi xa ấy là làng quê yêu dấu của tôi, một thời tôi lớn lên ở đó.
Bùi Nhật Lai