- Tôi chỉ lấy cậu 250 đồng thôi, để cậu còn chút ít mà tiêu dùng. Mỗi ngày tôi sẽ bao sẵn cho cậu mười đóa. Hôm nay bắt đầu lấy chưa?
Chàng mừng quýnh lên:
- Ô, bác bán cho cháu 250 đồng sao?
- Vâng! Cậu muốn loại hoa nào, còn búp, vừa hé nở hay nở lớn?
Chàng vẫn ngờ là mình nghe lầm:
- Ồ... Cháu...
Cuối cùng, chàng mới nói được:
- Cháu muốn loại hoa vừa nở vài cánh.
Ông Trương vừa lựa hoa vừa nói:
- Loại ấy đẹp lắm, để tôi bao cẩn thận cho cậu nhé.
Bỗng nhiên chàng lại cản:
- Ồ, thưa bác chờ chút đã!
Ông Trương ngạc nhiên:
- Sao, còn chê nữa à?
Mặt chàng đỏ lên vì thẹn:
- Dạ, không phải... Cháu... cháu nhờ bác trao hoa giùm?
- Trao hoa giùm cậu?
Ông Trương lộ vẻ không mấy hài lòng. Mặc dù ông vẫn nuôi sẵn vài người để đưa hoa hộ cho khách hàng, nhưng ai cũng nhờ như thế thì phiền phức quá! Thấy ông lưỡng lự, chàng vội trấn an!
- Thưa bác, trao hoa không xa đâu. Căn nhà 43/5 ở hẻm bên cạnh đây mà. À mà không, số 43/3 chứ không phải 43/5, tặng cho một cô gái...
Ông Trương đã hiểu. Trong trí ông hiện lên hình bóng người con gái nhu mì dịu dàng ấy với cặp mắt mơ mơ buồn... Hoa hồng vàng! Chàng thanh niên này biết chọn hoa và có ý nghĩ phù hợp với ông lạ! Không nén được xúc động, ông Trương tươi hẳn lên, mở to mắt nhìn chàng.
Trong cái bảnh trai của chàng ta có chút bướng bỉnh. Trong cái tính ngay thẳng chứa đựng sự ngạo nghễ, nhiệt tình lẫn liều lĩnh và e thẹn của kẻ còn non sữa. Ông chịu chàng hết mình. Chàng và nàng thật là xứng đôi vừa lứa. Quân tử lúc nào cũng sẵn sàng giúp người. Vài bước đi là mấy!
- À à, tôi biết rồi. Cô bé có mái tóc đen thật dài và con mắt lớn đó chứ gì? Cô ta thường đi ngang qua tiệm tôi lắm.
Chàng mừng rỡ:
- Dạ, đúng rồi, chính nàng đó. Bác bằng lòng giúp cháu?
Ông gật đầu:
- Được, được mà. Cậu muốn tôi hằng ngày đem qua lúc nào?
- Thưa bác, buổi tối. À mà không, tối nàng đi làm. Thôi sáng đi, mỗi sáng bác nhớ giúp giùm cháu.
- Vâng, mỗi sáng tôi sẽ giúp cậu. Vậy thì ngày mai bắt đầu chứ gì?
Chàng trả tiền:
- Dạ, xin phiền bác!
Ông Trương nhắc:
- Cậu nên viết vài chữ trên danh thiếp gởi cho nàng chớ?
Chàng tươi cười:
- Dạ, nhờ bác, suýt nữa cháu quên mất!
Chàng đưa tay vuốt tóc, ngồi xuống nhìn tấm danh thiếp ông Trương đưa. Suy nghĩ một lát, chàng bắt đầu viết:
Hoa thơm vài đóa
Chúc cô vui nhiều
Một người chưa quen ái mộ cô.
Nghê Quán Quần
Thân tặng
Chàng đứng dậy đưa tấm danh thiêp cho ông Trương:
- Thưa bác, như thế là đủ lắm rồi?
Thì ra, chàng chưa hề quen với cô bé ấy. Thật là thằng con trai lố bịch và bướng bỉnh quá:
- Mỗi ngày đều viết y thế này sao?
- Dạ!
Ông Trương nhìn thẳng vào mặt chàng:
- Thôi được, chúc cậu sớm thành công!
Chàng cười. Màu đỏ của thẹn thùng nhuộm đỏ hai má. Chàng cúi đầu chào rồi quay mặt đẩy cửa đi ra, bước vào giữa mưa và gió lạnh. Ông Trương tiễn chàng cho đến khi khuất mới vào. Đứng tựa quầy hàng, ông lắc đầu rồi mỉm cười. Lòng ông cảm thấy lâng lâng vui và ấm áp. Một lúc sau, ông đi lựa mười đóa hồng vàng đẹp nhất đưa lên nhìn.
Thấy có vẻ ít quá, ông thêm vào hai đóa nữa rồi lại cười đắc ý. Ông lấy sợi dây vàng, buộc tấm danh thiếp vào bó hoa thật chặt, không quên thắt thêm một cái nơ hình con bướm. Ông đi lấy cái bình không đổ đầy nước rồi ngâm hoa vào đó. Sớm mai, công việc đầu tiên là phải đưa bó hoa nầy đi. Lùi ra sau ba bước, ông gật gù:
- Nhớ nhé, phải gắng thi hành xong nhiệm vụ. Mi ra đi tức mang theo quả tim của người con trai đang muốn được yêu.
***
Lại một ngày mưa! Du Lâm ngồi dậy, bước xuống giường nhìn mưa bay bay qua khung cửa sổ. Mưa dai dẳng thế này đến bao giờ cho dứt! Nàng thở ra thật dài. Mưa cứ mãi lất phất. Gió rít không ngừng. Thế mà sáng nào cũng phải cắp sách đến trường tối lại đi làm thì còn gì buồn bằng. Thêm vào đó, bầu không khí gia đình không mấy yên vui. Mẹ đau nằm một chỗ, bài vở nhiều không có thì giờ học, công việc làm ăn không mấy vừa ý... Và, bác Lâm, cái ông khỉ đó nữa!
Nàng lắc đầu thật mạnh, muốn xua đuổi hết ý tưởng buồn trong lòng. Cuộc đời là một chuỗi ngày phiền não không làm sao tránh được. Sáng nay có giờ học, đừng đến trễ thì kỳ lắm. Nàng hấp tấp sửa soạn bữa điểm tâm. Mẹ nàng đã thức dậy, từ phòng ngủ mệt mỏi đi ra. Trời trở mưa và gió nên chứng bịnh phong thấp của bà phát nặng, không thể đứng thẳng người được!
Ngồi vào bàn ăn, bà nhìn con lo lắng:
- Tối qua, ông Lâm đến thăm gia đình mình đó con.
Nàng hỏi lại:
- Bác Lâm hả mẹ?
- Lâm, mẹ biết con không thích chuyện này, nhưng theo mẹ thì nên lấy ông ta đi con.
Nàng sụp mắt:
- Thưa mẹ!
- Từ khi cha con chết, cuộc sống mẹ con mình khốn đốn vô cùng. Con vất vả chạy ngược xuôi mà tiền chẳng thấm vào đâu với nhu cầu chi tiêu cần thiết. Mẹ lại bệnh hoạn hoài. Thấy con khổ, mẹ đau lòng vô cùng. Bởi vậy con nên bằng lòng làm vợ ông ta đi. Tuổi ông ta có lớn, nhưng được cái tính thật thà...
Lâm cướp lời mẹ:
- Thưa mẹ, bác Lâm không phải là mẫu người đàn ông con thích. Mẹ con mình gắng chịu khổ, chờ con tốt nghiệp đại học...
- Con lại nói khùng nữa rồi. Còn hai năm nữa mới tốt nghiệp đại học, chừng ấy chắc gì mẹ còn sống để hưởng hạnh phúc đó?
Du Lâm buồn bã nhìn mẹ Nàng rất sợ phải nghe những lời ấy của mẹ:
- Đừng nói vậy mẹ, để cho con thời gian suy nghĩ kỹ đã.
- Con suy nghĩ một năm rồi đâu phải chưa?
- Cho con một khoảng thời gian nữa đi mẹ.
Bà rưng rưng nước mắt:
- Con à! Mẹ nào muốn ép uổng con, nhưng mà hoàn cảnh gia đình mình thật đơn chiếc, túng thiếu. Con gái trước sau gì cũng phải lấy chồng, có được một tấm chồng như ông Lâm sẽ được hạnh phúc, khỏi lo lắng khổ sở.