Tôi chở nó về nhà, với lời nhắc nhở đi ngủ sớm. Lúc về, một con chim sẽ gãy cánh nằm giữa đường, tôi nghiến răng đạp. Bánh xe cán qua mình nó, nát bét. Tôi nhìn những sợi lông tả tơi mà tự dưng ứa nước mắt.
...
Trên đời, có những chuyện chúng ta không làm chủ được, ngay cả điều đơn giản nhất đó là quyết định cuộc sống của chính mình.
Tôi rất bình thường, sống khỏe mạnh, không ốm đau. Tôi có ba có mẹ, có cơm để ăn, có áo để mặc. Tôi đến trường có bạn bè. Nói chung những gì người ta có tôi cũng có, kể cả tình thương yêu. Vậy mà chỉ có tâm tư tôi là không thể định đoạt. Tôi từng nói với mẹ tôi rằng nếu một ngày đứa con của bà trở thành một người khác, thì ba mẹ có quyền đuổi tôi đi, bởi đó chắc chắn là lỗi lầm của bản thân tôi mà thôi.
Câu chuyện đời tôi ví như một bức tranh phong cảnh bình thường cho đến tuổi 18 khi trời bắt đầu chuyển gió. Thực tế có những chuyện nói ra thì khó nhưng giữ trong lòng thì ấm ức. Dẫu sao vẫn chỉ có thể chờ đến một lúc nào đó.
Những buổi trưa tháng tư, nó không còn đi chung xe với tôi nữa. Mặc dù nó dặn tôi không cần phải qua nhà rủ, tôi hàng ngày đi ngang vẫn liếc nhìn vào trong để xem liệu nó có quên giờ đi học. Và cũng như bao lần, nếu không thấy bóng dáng nó, tôi cứ đứng trước cổng trường mà chờ đợi trong thấp thỏm.
Nó đến, trong bộ áo ướt sũng mồ hôi, giống như đạp xe đến trường là một việc quá sức. Tôi nhận ra ngay được điều khác lạ: nó vui vẻ dễ chịu hơn mọi ngày. Nó không cằn nhằn trời nắng hay tất cả mọi thứ. Nó không vứt chiếc xe ngổn ngang vào một góc mà cẩn thận xếp lại ngay ngắn, còn lấy khăn ra lau lại cái yên. Chiếc xe đạp của nó hôm nay trông bóng bẩy một cách lạ thường, điều mà nhìn vào có thể thấy ngay không phải thuộc về con người nó trước kia.
Lần đầu tiên tôi không thể đoán ra vì sao nó thay đổi. Đương nhiên phải có điều gì đó nó giấu tôi, là gì mới được – tôi cứ lầm lì tự hỏi. Rồi tôi cũng có câu trả lời.
Tôi bắt gặp nó chở nhỏ đi trong một buổi sáng chủ nhật, lúc tôi được mẹ sai đi chợ. Tụi nó giả vờ như không thấy tôi cho đến khi tôi lại gần, gần đến nỗi tôi có thể thấy rõ nét hoảng hốt trên gương mặt nó. Trông hai đứa như những con mèo ăn vụng bị bắt quả tang.
Thì ra bây giờ nó đã có người khác đi cùng xe. Con nhỏ lúc trước ở sân bóng, học trường khác, xa hơn đường đến trường tôi, vậy mà nó vẫn rước đi hàng ngày, không một lời kêu ca. Tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt của nó khi nhìn thấy bàn chân quấn băng trắng toát của tôi, cái vẻ mặt đầy trách móc. Thật khác xa so với lúc này. Bỗng nhiên một cơn uất ức nảy nở rất mãnh liệt trong tôi, nó như muốn đẩy hết nước mắt tôi trào ra. Tôi nắm chặt bịch rau muống trong tay, chỉ muống quăng thật mạnh vào người hai đứa nó. Nếu nó không kịp chào tạm biệt, có lẽ tôi đã hành động. Chắc nó ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi nhìn con nhỏ chằm chằm, và nó sợ khi thấy ánh nhìn đó không bình thường chút nào.
Lý trí giữ tôi đứng yên. Nó đi rồi nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng chuyện trò.
- Đó là bạn thân của Bình hả?
- Ừ. Từ hồi nhỏ.
- Bạn đó giỏi nhỉ, biết cả đi chợ.
- Ừ, nó còn biết nấu ăn, vẽ tranh, làm thơ nữa...
Tiếng cười nói xa dần. Ngọn lửa trong tôi dịu lại. Tôi chợt nhận ra mình thừa thãi và vô duyên biết bao nhiêu. Vì sao tôi có những cảm xúc lạ lùng như vậy? Chính tôi cũng không lý giải nổi mình.
Tôi về nhà, đưa mẹ bịch rau muống dập nát. Chưa bao giờ mẹ tôi mắng tôi xối xả đến như vậy. Nhìn cảnh đó, ba tôi lắc đầu, nói rằng mẹ tôi không biết dạy con. Hôm đó vì tôi mà hai người to tiếng với nhau. Sau đó ba tôi cấm không bao giờ cho tôi đi chợ nữa.
...
Như mọi ngày, tôi buồn rầu dắt xe ra khỏi cổng. Hôm nay bà ngoại dẫn nó về quê, nó nghỉ học mất hai ngày. Tôi thấy trống trải ghê gớm. Nhưng dù có nó ở đây, nó cũng có còn đi chung với tôi nữa đâu. Giờ nó đạp xe với con nhỏ rồi, con nhỏ tất nhiên nhẹ hơn tôi, cũng không lắm chiêu trò để bắt nó phải đèo. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng sao mà cay đắng.
- Xin lỗi, bạn có phải là bạn thân của Bình không?
Tôi ngẩng cái mặt đang cúi gằm lên nhìn. Con nhỏ đứng trước cồng trường, tay cầm một hộp giấy gói kín.
Nhỏ đưa tôi cái hộp. Nhỏ nói đó là quà sinh nhật, nhờ tôi tặng nó. Bên trong chắc có thứ gì ăn được, vì nhỏ dặn tôi phải cất giữ cẩn thận ở nơi khô ráo. Tôi bực mình ấn cái hộp lại vào tay nhỏ.
- Bạn đi mà đưa cho nó. Tui không rảnh.
Tôi bận thật. Tôi còn phải làm quà sinh nhật cho nó nữa.
Nhưng con nhỏ vẫn khăng khăng. Nhỏ nói không gặp được nó ở trường, nên mới phải nhờ tới tôi. Mắt nhỏ nhìn tôi van nài. Nói thật rằng, những đôi mắt long lanh như kiểu con nhỏ làm tôi phát sợ. Tôi đành phải mang cái hộp về nhà.
Tôi tò mò nhìn cái hộp màu hồng được bao bọc kỹ lưỡng. Không biết có thứ gì bên trong? Nếu chỉ hé ra nhìn một chút, chắc không sao. Tôi có đủ kĩ năng để gói lại thậm chí còn đẹp hơn cả lúc gói quà chưa được mở.
Đúng như dự đoán, bên trong đầy ắp những chiếc bánh quy. Nhìn hình dạng méo mó của chúng, tôi nghĩ con nhỏ đã cố gắng rất nhiều. Tôi phì cười, con nhỏ đó chẳng có chút hoa tay nào. Những chiếc bánh, cái thì quá to, cái thì quá nhỏ, hoa văn lại không đều. Nếu là tôi không đời nào tôi để những thứ như thế vào một vật quan trọng như hộp quà sinh nhật.
Chiều hôm đó tôi nhào bột mì với trứng, nặn những cái bánh quy hình chữ cái. Tôi phết mứt lên trên đầu mỗi chữ, và xếp thành tên nó. Tôi đã dành cả buổi tối để trang trí sao cho trông chiếc hộp thật xinh xắn. Tôi chạy đi kiếm một tờ giấy trắng, rồi vẽ lên đó bức chân dung của nó thật đẹp để làm giấy gói. Tôi làm việc đó âm thầm ở trong phòng vì sợ ba tôi phát hiện. Ông chắc chắn sẽ đốt hết những thứ này đi nếu nhìn thấy.
Còn cái hộp giấy màu hồng của nhỏ bị tôi quẳng vào góc tường một cách không thương tiếc.