Và tôi bắt đầu hiểu ra cái cảm giác của Chi ngày hôm ấy, cái cảm giác ép mình tin vào một lời nói dối – ép chính mình chứ không phải bất kỳ ai khác, tin vào một lời nói dối. Bởi vì lời nói dối đó quá đẹp. Quá đỗi đẹp!
***
Chi hay cười. Khi cười em hay nghiêng đầu sang phải một chút khiến người khác có cảm giác niềm vui thích của em không chỉ dâng qua khoé môi mà còn tràn ngập đôi mắt. Gương mặt em không có gì nổi trội, chỉ có vẻ tươi tắn khá dễ thương thường gặp ở những cô bé con được chăm sóc đủ đầy. Chi nói nhiều và hay kể chuyện, nhưng riêng với tôi thì em có đôi chút e dè. Tôi cũng chẳng thấy phiền. Nói thẳng ra là tôi cảm ơn em về cái sự yên tĩnh đặc biệt đó...
Tôi không thích Chi. Đúng hơn là tôi không muốn phí thời gian với em và những câu chuyện vui vẻ dài liên tu bất tận của em. Chi thích tôi, tôi biết. Nhưng tôi cũng biết một điều: em chắc chắn không phải nửa kia của tôi.
Nửa kia của tôi phải là một cô gái có một đôi mắt thật đẹp và buồn. Và, như người ta nói, 'người thông minh như một dòng sông, càng sâu thì càng trầm lặng', tôi muốn có một cô người yêu dịu dàng ít nói. Người tôi yêu có thể yếu đuối, hay khóc, đa sầu đa cảm ... Cô ấy cũng có thể gọi tôi vào mọi lúc mọi nơi, thậm chí tước đi tự do của tôi ... Tôi sẽ không ngại ngần gì trao cả cuộc đời vào tay cô ấy, nếu đó là người xứng đáng.
Một cô bé con như Chi, tôi chẳng muốn bận tâm.
...
Lớp Anh Văn buổi tối, nơi tôi quen Chi, đang ầm ĩ lên vì vụ tổ chức sinh nhật cho em. Trừ tôi ra, hết thảy mọi người đếu quý mến Chi. Tất nhiên, vì em là học viên giỏi nhất và cũng là người hoà đồng nhất. Một chút bất ngờ, họ nghĩ điều đó sẽ làm em hạnh phúc nhiều lắm. Tôi cười khẩy, chỉ cần tôi nắm tay một cái rất nhẹ thôi là đã đủ làm em hạnh phúc cả tuần rồi.
Chi toàn đến trễ. Buổi nào cũng vậy, cứ 15′ sau khi bắt đầu giờ học thì cả lớp lại đươc mẻ cười vì cái dáng Chi chạy băng băng xộc vào phòng học, mặt mũi lấm tấm mồ hôi... Chi cũng cười xoà với mọi người, đầu nghiêng nghiêng, mắt liếc về phía tôi rất khẽ. Thấy tôi quay đi, em xịu xuống, tìm chỗ ngồi.
Nhưng dù sao, em vẫn luôn đứng nhất.
Hôm nay Chi cũng đến trễ, thế nên mọi người mới có thời gian bố trí nào hoa nào quà nào bánh. Tôi thấy chán nản. Nếu biết trước hôm nay là sinh nhật em, tôi đã chẳng đi học. Bài tập ở trường đang chất đống trên bàn học chờ tôi về giải quyết, trong khi tôi lại ngồi đây, phí phạm thời gian vô ích với một đứa con gái mà mình không ưa. Ông thầy người Mỹ đứng cười cười nhìn đám học viên trang hoàng lớp học, tôi cá là lão cũng chẳng khó chịu gì: Chi là học trò cưng của lão. Một buổi học bị thay thế thành một buổi cực hình! Tôi xách balô biến thẳng.
Tránh vỏ dưa, gặp ngay vỏ dừa. Chẳng hiểu thế nào tôi lại đụng mặt Chi ở cổng trường. Em mừng rỡ bắt gặp ánh mắt ngơ ngác của tôi rồi tiến lại gần định bắt chuyện. Trán em ướt mồ hôi, gương mặt em lộ nét mệt mỏi. Tôi nghĩ một đứa con gái như em mà mang vẻ bề ngoài như vậy chỉ có thể là do chơi thể thao quá sức. Đứng trước mặt tôi, dường như em ít e dè hơn khi không có những học viên khác vây xung quanh.
- Anh Thuỵ trốn học à?
Em nháy mắt hỏi, kèm nụ-cười-nghiêng-đầu quen thuộc.
- Ừ, hôm nay anh mệt. Chi vô học đi, anh xin phép nghỉ rồi.
Một ý nghĩ bật lên trong đầu tôi, nếu Chi biết những gì mọi người đang chuẩn bị trong kia, chắc hẳn em sẽ đoán ra lý do trốn học của tôi. Em sẽ buồn. Những tình cảm dành cho tôi sẽ phải tan đi.
Nhưng, thay vì bỏ đi, Chi ngẩng cao đầu, nhìn sâu vào mắt tôi, hít một hơi dài, nói nhanh:
- Thực ra hôm nay là sinh nhật Chi đó! Chi có mang bánh kẹo chia cho mọi người nè! Nhưng giờ thấy anh Thuỵ không đi học chắc Chi cũng không thấy vui nữa đâu. Hay Chi nghỉ, đưa anh Thuỵ về nhà được không?
Tôi sững lại, nhìn vào đôi mắt lấp lánh của em, đôi gò má hồng lên khiến cho lòng mắt mang ánh nâu đỏ như hổ phách.
- Còn mọi người thì sao?
- Có ai biết hôm nay là sinh nhật Chi đâu! – em quả quyết.
- Chắc không? – tôi nhận ra giọng mình mất đi sự nóng nảy, hình như tôi đang muốn chơi trò gì đó.
- Chắc mà!
- Chi này, vậy ... mình đi dạo chút đi.
Hai viên hổ phách soi vào mắt tôi những nỗi ngạc nhiên nhiều cung bậc đang trộn lẫn vào nhau.
Tôi chớp mắt.
Chi gật đầu.
Nếu bệnh viện tâm thần có một phòng riêng dành cho những sinh viên đại học năm thứ tư, hẳn tôi sẽ vào đó an dưỡng nửa tháng.
Đã 11h đêm, tôi vừa về đến nhà. Cái balô đầy sách vở cứ đeo mãi trên lưng vì tôi chẳng thể nhận thức được mình nên làm gì và không nên làm gì nữa.
Tôi điên!
Tôi điên!
Ha, còn lý do nào khác không? Chỉ vì điên nên tôi mới rủ Chi đi dạo. Chỉ có điên nên tôi mới cùng em lang thang khắp nơi trên những vỉa hè dơ dáy mà tôi đã thề là chỉ đi xe để tránh không phải bước lên chúng. Tôi điên, cho nên tôi mới nuốt hết mớ chuyện em kể, những câu chuyện chẳng hề vui vẻ như em đã chia sẻ cùng đám bạn trong lớp. Điên, nên tôi mới đưa em về nhà. Vì điên, tôi mới đưa tay ngắt một nhành tường vi mọc leo trên bờ tường hàng xóm nhà em và bảo màu của đoá hoa giống màu má em...
Điên hơn nữa là tôi đã nói tôi thích em!
Và, điên nhất là tôi đã từng nghĩ em là một "cô bé con được chăm sóc đủ đầy"!
Chi mồ côi từ hè năm lớp 9, sau một lần ba mẹ em về quê gặp lũ. Chị gái em bằng tuổi tôi, đang là sinh viên năm ba một trường dân lập nào đó. Chi không nói nhiều nhưng qua những gì em kể, tôi nhận ra cuộc sống của hai chị em được duy trì tương đối êm ả là nhờ nguồn tài chính từ một người đàn ông mà chị gái của Chi hay đi cùng. Ông ta đóng mọi khoản học phí cho hai chị em. Chi đi dọn dẹp nhà cửa cho người ta sáu buổi một tuần, mỗi buổi từ 4h chiều đến 7h tối, hoàn lại cho người đàn ông kia tiền học ở trường. Còn trung tâm ngoại ngữ, em luôn cố đứng nhất để nhận học bổng là chính số tiền ông kia đã đóng để em vào học. Chi kể, với nụ cười nghiêng – nhưng ở góc độ tôi nhìn hôm nay, nụ cười ấy buồn đến thắt lòng, mỗi lần em đưa trả tiền cho ông ta, chị gái em lại thở dài. Chị em trượt năm đầu do hai cái đại tang cùng lúc, năm sau đậu trường dân lập với số điểm thấp đến sát mức sàn do suốt thời gian ôn thi phải đi phụ bán cà phê lo tiền ăn học cho Chi. Thế rồi người đàn ông ấy xuất hiện, cuộc sống ổn định lại nhưng việc học của chị gái Chi ngày càng sóng gió. Liên tục thi lại, rồi nợ hết môn này đến môn kia, chị Chi chẳng buồn để tâm đến học hành nữa. Chi bảo, Linh – tên chị Chi, đang cố tìm một việc làm nào đó ổn định để tự trang trải cuộc sống, thoát khỏi gã đàn ông kia.
Lúc tôi đưa Chi về, Linh ra mở cửa. Tôi đứng sững. Nhìn họ chẳng giống hai chị em là bao. Linh để tóc tém ôm sát gương mặt trắng xanh, mắt đen huyền hơi bị khuất bởi hàng mi cong dài, nụ cười hiền lành như được vẽ ra sau màn sương nỗi buồn lộng lẫy. Chi đến bên cạnh chị mình, em cao hơn Linh độ năm phân nhưng có điều gì đó ở Linh khiến tôi nghĩ nàng đang bay lơ lửng phía trên cao, bên cạnh vầng trăng lưỡi liềm cuối tháng, khiến mọi ánh sáng xung quanh tôi như bị che phủ và tôi phải ngước lên mới thấy được Linh đang toả sáng cùng trăng.