- Em vẫn ổn chứ? Tôi lại lên tiếng trước.
- Dạ, bình thường.
- Bình thường là tốt rồi.
- Anh thế nào? Sài Gòn có vui không?
- Nơi nào cũng vậy thôi. Anh không thể chạy trốn được ký ức.
Em quay mặt lại nhìn tôi, những giọt nước mắt lăn lăn trên má, em khóc tự bao giờ. Bất giác, tôi đưa tay gạt dòng nước mắt của em, em nhắm mắt, cứ để yên cho tôi chạm vào đôi má ửng hồng. Em vẫn đẹp, vẻ đẹp đượm buồn, nét ngây thơ không còn nữa mà nhuốm vết phong trần.
- Vì sao em trốn chạy? Tôi hỏi.
- Trò trẻ con ấy mà.
- Anh không nghĩ vậy.
Em nấc những tiếng khe khẽ. Tôi xích lại gần và kéo em tựa vào vai mình. Em để yên và khóc.
- Em ngốc mà. Nên ra thế. Em nói.
***
Đang ngồi trong thư viện học bài, em nhận được điện thoại của ba:
- Dạ, con nghe ba.
- Mày về ngay cho tao, không học hành gì nữa cả. Nhanh.
Lời nói của ông là mệnh lệnh. Ông là chúa tể trong nhà, không ai dám kháng cự lại ông dù chỉ là một cái nhìn bất mãn. Thiện sống dưới sự cai quản hà khắc của ba. Thời cấp ba, em không được đi chơi thỏa mái như bạn bè mình, không được đi học thêm, thích học môn nào, gọi gia sư về dạy môn đó. Chuyện yêu đương nhăng nhít càng không thể. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao cô bé lúc đó lại ngốc nghếch đến thế. Tất nhiên, cha đã bảo là em phải mang gói đi về. Tất cả hành trang, đồ đạt cũng mang theo luôn vì em biết mình không thể tiếp tục học nữa. Em mơ hồ nhận ra vấn đề rắc rối của mình là do đâu. Trên đường về, Thiện nghĩ mọi cách nói dối cha để tránh một hình phạt nặng nề.
- Mày quen thằng đó được bao lâu rồi. Ông hét lớn.
- Dạ, một năm ạ. Dù đã chuẩn bị một câu chuyện bịa rất "hoàn hảo" để dối cha nhưng không hiểu sao cái miệng không chịu nghe lời. Ba hỏi câu nào là khai thật câu đó.
- Nó tên gì?
- Dạ tên Lâm. Ảnh đi làm rồi ba ạ, không phải sinh viên đâu.
- Kệ mẹ nó. Thằng nào dở trò với con tao thì tao không để yên.
Mặt em tái mét không còn giọt máu. Ông nói là ông làm. Là cha con bao nhiêu năm, Thiện hiểu tính ông.
- Địa chỉ của thằng đó. Khai mau.
Cô bé run lẩy bẩy, quỳ sụp xuống van xin:
- Ba ơi! Con xin ba mà, từ nay con không dám nữa ạ. Con sẽ không gặp người đó nữa đâu. Ba trừng phạt con đi, là lỗi của con.
- Mày giỏi! Mới đi học được mấy chữ về cãi lại tao nhem nhẻm vậy đó hả?
Em khóc, những giọt nước mắt hối lỗi và khiếp sợ. Ánh mắt lạc hồn nhìn ba van xin.
- Được. Mày hứa nhé. Giờ không học hành gì hết, đốt hết sách vở đi, ở nhà bán hàng với mẹ mày. Học làm đếch gì toàn yêu với đương lung tung.
- Vậy là em bỏ việc học từ hôm ấy? Tôi hỏi.
- Không. Em vẫn đi học nhưng phải ở với người quen của ba chứ không ở với chị Nguyên nữa. Từ bữa đó, chị đâu có dám gặp ba đâu.
Tôi chợt dâng lên một nỗi niềm khó tả khi biết sự thật nguyên nhân mà em chạy trốn tôi. Thứ cảm giác vừa thất vọng, hụt hẫng vừa mỉa mai, buồn cười làm tôi thấy ấm ức. Một cô bé ngốc và một người cha cố chấp, gia trưởng, chỉ có thế thôi mà đã hành hạ trái tim tôi suốt thời gian dài đến thế sao?
Xe đã đến bến. Tôi và em xuống xe chờ lấy hành lý rồi đi cùng nhau một đoạn.
- Lễ hôm rồi vui chứ em? Tôi hỏi.
- Dạ, có gì vui đâu anh, về ở hoài trong nhà.
- Chứ bạn trai em đâu? Sao không chở em đi chơi?
- Em ngốc quá nên để lạc mất rồi. Em cười.
Chúng tôi im lặng một lát rồi rẽ về hai hướng. Em nhìn tôi, vẫy tay tạm biệt rồi khuất vào giữa dòng người. Tôi lang thang một mình trên con đường đông đúc xe cộ ngược xuôi. Thấy lòng bớt cô đơn. Sài Gòn giờ đã có em. Tờ địa chỉ và số điện thoại em ghi tôi vẫn cầm trên tay. Mai vẫn còn một ngày nghỉ nữa mà. Tôi nghĩ vẩn vơ rồi bật cười một mình. Bất giác, tôi nhớ biển, nhớ da diết nơi có những chú còng đang bò ngang dọc.
Bùi Hữu Phúc