- Con chào bố! Lại chuyện gì vậy ạ?
- Trong khi bố đang cố gắng giải thích với dân làng rằng cái chết của bác Vỹ và chú Điệp là do tai nạn thì ông nội con lại đứng về phía họ nghĩ do trùng tang, phải đào mồ, yểm bùa vào quan tài – Bố tỏ rõ vẻ bất lực
– Con rửa tay rồi ăn cơm đi, ông và bố đã ăn rồi.
- Dạ, vâng!
Tôi cất cặp rồi gõ cửa phòng ông. Không thấy mở, tôi bèn lên tiếng:
- Là cháu đây, ông mở cửa đi.
Cửa liền mở. Tôi đi vào, ngồi xuống cạnh ông.
- Ông à, trùng tang là cái gì vậy ạ?
- "Trùng tang" là cách nói người chết phạm phải năm hoặc tháng, giờ xấu do đó linh hồn không thể siêu thoát nên cứ quanh quẩn trên dương thế, bị "Trùng khảo" tra hỏi rồi "trùng" sẽ lần lượt "bắt" theo từng người thân trong tộc.
- Ông đã bao giờ thấy "trùng khảo" chưa ạ?
- Rồi, nó giống quạ, nhưng to hơn quạ rất nhiều. Trước đây, vùng này còn là đất hoang, mỗi khi có người chết phạm giờ "trùng tang" mà không được yểm bùa, nửa đêm "trùng khảo" sẽ đậu trước mộ người đó, mỗi khi nó "Quạ" một tiếng, ở dưới mộ phát ra một tiếng "Óe" trả lời. Ấy là nó đang tra khảo người ở dưới mộ kia về dòng tộc mình.
- Vậy nếu không tránh khỏi chết vào giờ "trùng tang" thì phải làm sao ạ?
- Ngày xưa, nếu phạm vào "trùng tang", người ta sẽ dán lá bùa kỵ vào đầu quan tài để "trùng khảo" sợ mà không dám quấy nhiễu. Nhưng nay, chả còn ai tin vào, cũng rất khó tìm được người biết làm bùa. Ông nội thở dài.
...
Tôi cầm một tô đầy ăm ắp cơm và thức ăn ra phòng khách, vẫn thấy bố ở đó.
- Bố ăn cơm với con!
- Bố ăn rồi. Ông đi ngủ chưa? Ông có nói gì với con không?
- Dạ, rồi ạ! Ông kể cho con nghe về "trùng tang" và "trùng khảo".
Trán bố tôi hơi nhăn lại. Tội nghiệp bố, tôi sắp đề cập đến vấn đề khá mệt mỏi.
- Bố này, giả sử, con chỉ giả sử thôi nhá, nếu có thêm vài vụ như thế này nữa, bố có tin vào "trùng tang" và "trùng khảo" không ạ?
- Bố tin.
Tôi mở to mắt hết cỡ nhìn, không tin vào tai mình.
Bố xoa đầu tôi nói tiếp:
- Bố sẽ tin nhưng theo cách của khoa học. Theo lý thuyết sóng điện từ và trường năng lượng: "Trong mối quan hệ giữa người chết bị "trùng tang" và người bị "trùng bắt" không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số khác nhau nhiều nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic. Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống".
- Còn lý thuyết nào phổ thông hơn không ạ? - Tôi gãi đầu.
- "Trùng tang" là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó, bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này đơn giản có thể hiểu là: "Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra".
- Vậy tại sao đúng vào giờ "trùng tang" lại hay diễn ra những vụ ấy, còn "trùng khảo" nữa?
- Còn một cách hiểu khác, "trùng khảo" là một loại trùng sinh ra trên xác người chết trong một điều kiện không khí, nhiệt độ đặc biệt và nó sẽ ký sinh và phát triển trên những vật chủ có cùng huyết thống. Bằng cách nào đó, dân gian biết và lưu truyền cách tính thời gian xuất hiện điều kiện đặc biệt ấy, gọi là "trùng tang". Cách hiểu này cũng có thể giải thích được tại sao những người trong dòng tộc bị chết sau đó. Sao vậy? – Bố hỏi khi thấy mắt tôi sáng long lanh ngưỡng mộ.
- Bố giỏi quá!
***
ẾM BÙA GIỜ SỬU VÀ NGÔI MỘ KHÔNG TÊN
Không phải tôi ăn mắm, ăn muối, nói ra câu nào độc câu ấy. Lời tôi giả dụ từ hôm trước đã thành sự thật. Vy – con gái của bác Vỹ treo cổ trên cây gạo trường tôi. Phía cảnh sát không phát hiện điểm gì nghi vấn, cho đây là vụ tự tử. Người trong làng tôi lại xôn xao, vậy là nhà bà Vức chỉ còn thầy Minh và ông Vức. Không tính đến giả thuyết "trùng tang", thì học sinh trong trường đều tin rằng do áp lực học tập. Có một người không tin vào điều đó, Ali Khan. Chúng tôi đều biết cậu đang để ý Vy. Nguyên một buổi chiều, tôi và Rybak yên lặng ngồi bên cậu trên sân thượng. Rất lâu sau, cậu đưa cho tôi một chiếc vòng cổ, rất dễ để nhận ra đây là vòng đôi.
- Mình không tin! Cô ấy vừa nhận lời làm bạn gái mình hôm qua.
Tôi tháo chiếc găng tay, cẩn thận cầm chiếc vòng. Là Vy đang tỉ mỉ xâu kết những hạt đá, những chữ cái vào dây vòng. Nụ cười trong lành giữa nắng mai cùng khuôn mặt đỏ bừng, ngượng ngùng đưa cho Ali Khan chiếc vòng.
Tự nhiên, cảm thấy buồn, một nỗi buồn lạnh lẽo thấm sâu vào trong xương tủy. Tôi nắm chặt chiếc vòng nói:
- Mình cũng không tin!
Chúng tôi đến cây gạo, không dùng găng tay nữa, tôi chạm tay vào thân cây, nhắm mắt lại, tập trung tư tưởng, nói lên những hình ảnh đang lướt qua đầu:
- Mình thấy rồi, một vùng đen tối, tóc cô ấy buông xõa, có đeo huy hiệu của câu lạc bộ Origami. Cô ấy đang đung đưa trên cây bởi một sợi dây.
- Đúng rồi. - Rybak khích lệ.
- Có một bàn tay.
- Sao? - Ali Khan và Rybak như hét lên.
- Có một đôi bàn tay đang nắm sợi dây thừng.
- Của ai? - Bọn Rybak cùng nín thở.
- A ...a ...a...
Tôi ôm đầu, lăn lộn trên bãi cỏ trong đầu là hình bóng hai bàn tay màu đen như khói đang cầm sợi dây thừng dần dần kéo lên. Nhưng cố gắng thế nào cũng không nhìn thêm được gì.
Chúng tôi nhìn nhau, vậy những người kia có phải là "tai nạn"?
Chúng tôi ào đến sở cảnh sát, nơi bố tôi làm việc. Tôi đã nói với các bạn, bố tôi làm thanh tra chưa nhỉ? Sau khi nghe tôi nói về những gì mình nhìn thấy, bố đưa tôi đến hiện trường những vụ tai nạn trước. Tôi nhìn thấy một đôi bàn tay từ phía sau đẩy bác Vỹ xuống đường ray. Tôi nhìn thấy một đôi bàn tay đóng cầu giao khi chú Điệp sửa điện. Tôi nhìn thấy bà Vức cố với gần đến hộp thuốc trị tim nhưng có một đôi bàn tay đẩy nó ra xa; bà Vức chết trong kinh hoàng. Một đôi bàn tay chìm trong bóng tối. Như vậy cởi ra được một nút thắt không liên quan gì đến "trùng tang", lại buộc thêm nhiều nút thắt mới bởi hung thủ không để lộ chút dấu vết nào và cũng không tìm ra được động cơ gây án bởi nhà bà Vức từ trước đến nay không gây thù oán với ai, rất được dân làng yêu mến.
Hai ngày nay, Kyomi nghỉ học. Chúng tôi đến ký túc thăm và kể cho cô ấy nghe về chuyện vừa phát hiện được. Cô trùm kín chăn rên rỉ:
- Mình nghĩ mình bị quỷ ám rồi.
- Sao?
- Dạo này, móng tay, móng chân mình dài nhanh bất thường. Tối nào cũng cắt, nhưng đến sáng lại dài ra như vuốt quỷ. Hình như đêm nào mình cũng ra ngoài hay sao ấy, sáng dậy, chân mình lấm lem đầy đất và cỏ dại. Mình sợ lắm...
- Từ khi nào thì bị vậy?
- Từ sau đêm cầu cơ.
Chúng tôi chột dạ nhìn nhau:
- Bỏ chăn ra cái đã. Cậu nghĩ làm như vậy sẽ tự tử thành công do thiếu oxi à?
- Không! - Kyomi hét lên rồi lại run rẩy. - Không, trên trán mình hình như còn nhú sừng nữa.
Rybak không kiên nhẫn giật phăng tấm chăn đi. Chúng tôi cùng hít phải ngụm khí lạnh. Kinh khủng hơn những điều tôi đã được nghe cô ấy kể. Kyomi gầy khô một cách thảm hại, nước da vốn trắng lại càng trắng không sức sống, móng tay dài nhọn hoắt, đôi bàn chân nhỏ có vài vết xước do cỏ gai để lại. Trên trán có cái gì đang nhú ra.